Câu hỏi
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Nô-ê?
Trả lời
Lần đầu tiên chúng ta được nghe về Nô-ê trong Sáng thế ký 5, được bắt đầu bằng câu “đây là sách về dòng dõi của A-đam”. Đây là một cụm từ lặp đi lặp lại trong Sáng thế ký, và chương 5 trình bày chi tiết về dòng dõi tin kính của Sết trái ngược với dòng dõi trần tục của Ca-in (Sáng thế ký 4:17-24). Giả sử không có sự gián đoạn giữa các thế hệ, Nô-ê đại diện cho thế hệ thứ mười từ A-đam. Gia phả của Nô-ê viết: “Lê-méc được một trăm tám mươi hai tuổi, sanh một trai, đặt tên là Nô-ê, mà nói rằng: ‘Đứa nầy sẽ an-ủi lòng ta về công-việc và về sự nhọc-nhằn mà đất bắt tay ta phải làm, là đất Đức Giê-hô-va đã rủa-sả.’” (Sáng thế ký 5:28-29).
Ngay từ đầu, chúng ta thấy rằng Nô-ê sẽ trở nên đặc biệt vì ông là thành viên duy nhất của gia phả này có tên được giải thích. Cha của ông, Lê-méc, xác định rằng con trai ông, Nô-ê, sẽ mang lại sự khuây khỏa (“Nô-ê” trong tiếng Hê-bơ-rơ đọc nghe giống từ có nghĩa là “nghỉ ngơi hoặc nhẹ nhõm”). Chúng ta nhanh chóng học học được rằng Nô-ê đã làm gì để giải cứu họ trong Sáng thế ký 6:1-8, nơi chúng ta thấy hậu quả không thể kiểm soát của sự sa ngã khi sự bất chính gia tăng trên khắp thế gian. Đức Chúa Trời buộc tội loài người bằng những lời này: “Đức Giê-hô-va thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sáng Thế Ký 6:5). Đức Chúa Trời quyết định "hủy-diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên, từ loài người cho đến loài súc-vật, loài côn-trùng, loài chim trời; vì Ta tự-trách đã dựng nên các loài đó." (Sáng thế ký 6:7). Tuy nhiên, ngay cả trong tình cảnh như vậy, vẫn có hy vọng: “Nhưng Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế Ký 6:8). Bất chấp sự tà ác tràn lan đang gia tăng theo cấp số nhân trên thế gian, có một người nổi bật—một người có cuộc sống được đánh dấu bằng bàn tay ân điển của Đức Chúa Trời trên mình. Nô-ê được ơn trước mặt Chúa. Đức Chúa Trời sắp phán xét thế gian vì sự gian ác của nó, nhưng Ngài ban ân điển cứu rỗi của Ngài cho Nô-ê và gia đình ông.
Sáng Thế Ký 6:9 đánh dấu phần đầu của câu chuyện về trận lụt, và chính ở đây chúng ta học được nhiều nhất về cuộc đời của Nô-ê. Chúng ta học biết rằng Nô-ê là một người công chính, không tì vết trong thế hệ của ông, và ông đồng đi với Đức Chúa Trời. Người ta hầu như có thể thấy sự tiến triển của thuộc linh trong phần mô tả này về cuộc đời của Nô-ê. Bằng cách nói rằng Nô-ê là người công chính, chúng ta biết rằng ông đã vâng giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời (ở mức tốt nhất mà ông có thể hiểu chúng vào thời điểm đó). Ông là người trong sạch trong thế hệ của mình, nổi bật giữa những người đương thời với ông. Trong khi họ ăn chơi trác táng, Nô-ê sống một đời sống gương mẫu. Cuối cùng, Nô-ê đồng đi với Đức Chúa Trời, điều này đặt ông ngang hàng với ông cố của mình, Hê-nóc (Sáng thế ký 5:24); điều này không chỉ ngụ ý một cuộc sống vâng lời, mà còn là một cuộc sống có mối quan hệ sống động và mật thiết với Đức Chúa Trời.
Chúng ta thấy đời sống vâng lời của Nô-ê chứng tỏ qua việc ông sẵn sàng vâng theo mệnh lệnh của Chúa mà không thắc mắc về việc đóng con tàu (Sáng thế ký 6:22; 7:5, 9; 8:18). Xin hãy cân nhắc rằng Nô-ê và thế hệ của ông rất có thể chưa bao giờ thấy mưa trước đây, nhưng Đức Chúa Trời bảo Nô-ê đóng một con tàu đi biển lớn ở gần một vùng nước. Nô-ê tin cậy nơi Đức Chúa Trời đến nỗi ông nhanh chóng vâng lời. Cuộc đời trọn vẹn của Nô-ê được thể hiện rõ ràng khi ông vâng lời Chúa trước ngày thạnh nộ đang đến gần. Sứ đồ Phi-e-rơ nói với chúng ta rằng Nô-ê là “sứ giả của sự công bình” (2 Phi-e-rơ 2:5), và tác giả sách Hê-bơ-rơ nói rằng ông “lên án thế gian” (Hê-bơ-rơ 11:7) qua những hành động công chính của mình. Trong suốt thời gian dài chờ đợi sự phán xét sắp tới, Nô-ê tiếp tục trung tín vâng lời Chúa. Để làm bằng chứng cho việc đồng đi với Đức Chúa Trời, sau trận lụt, Nô-ê đã xây một bàn thờ và dâng của lễ cho Đức Chúa Trời (Sáng thế ký 8:20). Sự thờ phượng là một phần trọng tâm trong cuộc đời của Nô-ê.
Ngoài câu chuyện về trận lụt và chi tiết về sự say sưa của ông được ghi lại trong Sáng thế ký 9:20-27, chúng ta không biết nhiều về cuộc đời của Nô-ê. Chắc chắn, cơn say không phải là trường hợp không đứng đắn duy nhất trong đời Nô-ê. Giống như tất cả chúng ta, Nô-ê được sinh ra với bản chất tội lỗi. Tình tiết say rượu của ông được đưa vào câu chuyện, rất có thể, để giải thích sự thù địch giữa dân Ca-na-an và dân Y-sơ-ra-ên. Bất chấp sự cố này, chúng ta thấy rằng Nô-ê được kính trọng là một trong số ít người công bình đặc biệt trong lịch sử của dân sự Đức Chúa Trời. Hai lần trong Ê-xê-chi-ên 14, Đức Chúa Trời phán qua tiên tri rằng ngay cả khi Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp có mặt trên đất, Đức Chúa Trời sẽ không tha cho dân sự khỏi sự phán xét. Đó là một nhóm người công chính đáng để dự phần (Đa-ni-ên và Gióp). Chúng ta cũng biết rằng Nô-ê được đưa vào như một tấm gương về đức tin trong Hê-bơ-rơ 11, một đề cập khác cho thấy Nô-ê được coi là mẫu mực của sự trung tín và ông có loại đức tin làm hài lòng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:6).
Với những gì đã đề cập, chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Nô-ê? Nói một cách thực tế, Nô-ê là một tấm gương về đời sống đức tin. Hê-bơ-rơ 11:7 nói về Nô-ê, “Bởi đức-tin, Nô-ê được Chúa mách-bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành-tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế-gian, và trở nên kẻ kế-tự của sự công-bình đến từ đức-tin vậy.” Nô-ê không cần phải “thử” Đức Chúa Trời trước khi hành động; Đức Chúa Trời ra lệnh, và ông vâng lời. Đây là điển hình của cuộc đời Nô-ê. Nô-ê là một phần của dòng dõi tin kính của Sết, người mà người ta nói rằng, “Vào thời bấy giờ, loài người bắt đầu kêu cầu danh Đức Giê-hô-va” (Sáng thế ký 4:26). Nô-ê là kết quả của sự vâng lời và trung tín với Đức Chúa Trời qua nhiều thế hệ. Nếu chúng ta bắt chước cuộc sống của Nô-ê, thì không có quy tắc nào tốt hơn để tuân theo đó là trở nên “công bình, không chỗ trách được trong thế hệ chúng ta và đồng đi với Đức Chúa Trời.” Nói cách khác, trong sạch trước Đức Chúa Trời, với người khác và có mối quan hệ tin kính và thờ phượng với Đức Chúa Trời. Bạn gần như có thể nghe thấy những lời của Chúa Giê-su vang vọng ở đây khi Ngài trả lời câu hỏi của thầy dạy luật về điều răn lớn nhất (Ma-thi-ơ 22:37-39).
Theo thần học, chúng ta cũng có thể rút ra một số bài học từ cuộc đời của Nô-ê. Trước hết, cuộc đời của Nô-ê cho chúng ta thấy lẽ thật vĩnh cửu rằng chúng ta được cứu bởi ân điển qua đức tin (Ê-phê-sô 2:8). Nô-ê không phải là một cá nhân gương mẫu bởi vì bằng cách nào đó, ông có thể lướt qua bản chất tội lỗi sa ngã mà tất cả chúng ta đều sở hữu. Ân điển của Đức Chúa Trời đã ở trên ông, nếu không Nô-ê đã bị diệt vong cùng với tất cả những tội nhân độc ác khác trong trận đại hồng thủy. Nô-ê cũng là một ví dụ điển hình mà Đức Chúa Trời cứu người được chọn của Ngài. Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời kiên nhẫn đối với sự phán xét sắp đến trong khi Nô-ê đóng tàu (1 Phi-e-rơ 3:20; 2 Phi-e-rơ 2:5). Ngài biết cách giải cứu người tin kính khỏi thử thách. Lẽ thật này được nêu rõ trong 2 Phi-e-rơ 3:8-9, chúng ta học biết rằng Đức Chúa Trời sẽ trì hoãn sự phán xét cuối cùng cho đến khi tất cả những người được chọn đều ăn năn.
Cuối cùng, cuộc đời của Nô-ê là lời nhắc nhở rằng sự phán xét tội lỗi sẽ đến. Ngày của Chúa sẽ đến (2 Phi-e-rơ 3:10). Chúa Giê-su sử dụng cuộc đời của Nô-ê như một điềm báo trước về những gì sẽ xảy ra khi Con Người trở lại trong ngày phán xét cuối cùng (Ma-thi-ơ 24:37-38; Lu-ca 17:26-27). Vì vậy, chúng ta cần noi gương Nô-ê và làm “người rao giảng sự công bình” cũng như lưu ý đến lời của Phao-lô: “Vậy chúng tôi làm chức khâm-sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên-bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài-xin anh em: Hãy hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời.” (2 Cô-rinh-tô 5:20). Giống như Nô-ê, chúng ta là sứ giả của Đấng Christ trong những ngày sau rốt này. Sự phán xét của Đức Chúa Trời sắp đến, nhưng Ngài ban sự hòa giải qua Chúa Giê-su Christ. Chúng ta phải mang thông điệp hòa giải này đến với những người khác.
English
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Nô-ê?