settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Sa-ra?

Trả lời


Sa-rai bắt đầu cuộc sống của mình trong thế giới ngoại giáo thuộc xứ U-rơ, trên vùng đất của người Chaldees, nằm trong khu vực ngày nay được gọi là Iraq. Bà là em gái cùng cha khác mẹ và cũng là vợ của Áp-ram, người sau này được gọi là Áp-ra-ham. Sa-rai và Abram có cùng cha nhưng khác mẹ, theo Sáng thế ký 20:12. Vào thời đó, gen di truyền thuần khiết hơn ngày nay và việc kết hôn cận huyết không gây bất lợi cho con cái của sự kết hợp giữa những người thân. Ngoài ra, vì con người có xu hướng sống tập trung lại với nhau trong các đơn vị gia đình, nên việc chọn bạn đời trong bộ lạc và gia đình của mình là điều tất nhiên.

Khi Áp-ram gặp Đức Chúa Trời hằng sống lần đầu tiên, ông đã tin Ngài (Sáng thế ký 12:1–4; 15:6) và đi theo Ngài, vâng theo mệnh lệnh của Ngài rời bỏ quê hương để đi đến một nơi mà ông chưa bao giờ nghe nói tới, hay được nhìn thấy. Sa-rai đã cùng đi với ông.

Cuộc hành trình đưa họ đến xứ Cha-ran (Sáng thế ký 11:31). Cha của Áp-ram, Thê-ra, đã qua đời tại xứ này, còn Áp-ram, Sa-rai, cháu trai của họ là Lót và đoàn tùy tùng tiếp tục cuộc hành trình, để cho Đức Chúa Trời dẫn dắt và hướng dẫn họ. Không có nhà ở và không có tiện nghi hiện đại, cuộc hành trình chắc hẳn rất khó khăn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong cuộc hành trình của họ, xảy ra nạn đói trong xứ, khiến Áp-ram và Sa-rai phải đến Ai Cập (Sáng thế ký 12:10). Khi họ làm vậy, Áp-ram sợ rằng người Ai Cập sẽ giết ông vì Sa-rai xinh đẹp và họ muốn bà làm vợ. Vì vậy, ông yêu cầu Sa-rai nói với mọi người rằng bà là em gái của Áp-ram—điều này đúng về mặt kỹ thuật nhưng cũng có ý lừa dối. Sa-rai được đưa vào nhà Pha-ra-ôn và Áp-ram được hậu đãi vì bà. Nhưng Đức Chúa Trời đã giáng họa cho nhà Pha-ra-ôn và lời nói dối của hai vợ chồng bị bại lộ. Pha-ra-ôn trả lại Sa-rai cho Áp-ram và tiễn họ lên đường (Sáng thế ký 12). Sa-rai và Abram trở lại vùng đất ngày nay được gọi là Do Thái. Họ đã có được nhiều của cải và thêm nhiều của cải trong hành trình của mình, vì vậy Lót và Áp-ram đồng ý chia tay nhau hầu cho đàn gia súc khổng lồ có đủ đất để chăn thả (Sáng thế ký 13:9).

Sa-rai son sẻ, một vấn đề gây đau khổ cũng như nó là sự xấu hổ cho chính bà bởi văn hóa thời đó. Áp-ram lo lắng rằng ông sẽ không có người nối dõi. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho Áp-ram một khải tượng, trong đó Ngài hứa với ông một đứa con trai và dòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời (Sáng thế ký 15). Đức Chúa Trời cũng hứa ban cho dòng dõi Áp-ra-ham xứ Ca-na-an. Vấn đề là Sa-rai vẫn không có con. Mười năm sau khi Đức Chúa Trời hứa với Ápram, Sa-rai, theo những chuẩn mực văn hóa thời đó, đã đề nghị Áp-ram đi đến ở cùng với người hầu của bà, Agar. Đứa trẻ sinh ra từ sự kết hợp đó sẽ được tính là của Sa-rai. Áp-ram đồng ý và A-ga có thai một đứa con trai — Ích-ma-ên. Nhưng A-ga bắt đầu nhìn Sa-rai với ánh mắt khinh thường, còn Sa-rai bắt đầu đối xử thô bạo với A-ga đến mức A-ga phải bỏ trốn. Đức Chúa Trời nhìn thấy A-ga trong đồng vắng và khuyến khích bà quay trở về với Áp-ram và Sa-rai, điều mà bà đã làm (Sáng thế ký 16).

Mười ba năm sau khi Ích-ma-ên được sinh ra, Đức Chúa Trời tái khẳng định giao ước của Ngài với Áp-ram, lần này Chúa ban cho ông dấu hiệu cắt bì cũng như đổi tên ông. Áp-ram, nghĩa là “cha cao cả,” trở thành Áp-ra-ham, nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”. Đức Chúa Trời cũng đổi tên Sa-rai, nghĩa là “công chúa của ta,” thành Sa-ra, nghĩa là “mẹ của các dân tộc”. Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ ban cho ông một đứa con trai qua Sa-ra. Người con này – Y-sác – sẽ là người mà Đức Chúa Trời thiết lập giao ước của Ngài. Đức Chúa Trời cũng sẽ ban phước cho Ích-ma-ên, nhưng Y-sác là con trai của lời hứa qua đó các dân tộc sẽ được phước (Sáng-thế Ký 17). Y-sác có nghĩa là "anh ấy cười". Áp-ra-ham đã cười rằng, ở tuổi 100, ông lại có thể có một đứa con trai với Sa-ra, còn bà thì đã 90 tuổi và hiếm muộn cả đời sao. Sa-ra cũng cười trước viễn cảnh đó (Sáng-thế Ký 18:9–15).

Không lâu sau khi Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham và Sa-ra một đứa con trai, Ngài đã hủy diệt thành Sô-đôm và thành Gô-mô-rơ, nhưng Ngài đã giải cứu Lót, cháu trai của Áp-ra-ham (Sáng thế ký 19). Áp-ra-ham và Sa-ra trải qua một hành trình đi đến Negeb và kiều ngụ tại Ghê-ra (Sáng-thế Ký 20:1). Áp-ra-ham lại yêu cầu Sa-ra nói dối về danh tính của mình, và vua Ghê-ra đã lấy Sa-ra làm vợ. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo vệ Sa-ra, người mà Y-sác sẽ được sinh ra. Vua A-bi-mê-léc không có ăn ở với bà. Đức Chúa Trời đã cảnh báo A-bi-mê-léc trong giấc chiêm bao, và nhà vua không chỉ dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời để ăn năn mà còn đem chiên và bò, tôi trai cùng tớ gái cho Áp-ra-ham và Sa-ra và cho phép họ được ở trong xứ (Sáng thế ký 20).

Đức Chúa Trời vẫn thành tín với lời hứa ban cho Áp-ra-ham và Sa-ra một đứa con trai. Họ đặt tên cho đứa bé là Y-sác và "Sa-ra nói rằng: Đức Chúa Trời làm cho tôi một việc vui cười; hết thảy ai hay được cũng sẽ vui cười về sự của tôi. Lại nói rằng: Há ai dám nói với Áp-ra-ham rằng Sa-ra sẽ cho con bú ư? vì tôi đã sanh một đứa trai trong lúc người già yếu rồi" (Sáng-thế Ký 21:6–7). Mặc dù trước đây bà có thể đã cười trong sự hoài nghi một cách kín giấu, nhưng bây giờ Sa-ra đã cười vui vẻ và muốn mọi người biết về hoàn cảnh của mình. Đức Chúa Trời đã thành tín với lời hứa của Ngài và ban phước cho bà.

Thật không may, sự căng thẳng giữa Sa-ra và A-ga vẫn tiếp diễn. Khi Y-sác cai sữa, Áp-ra-ham tổ chức tiệc. Nhưng Ích-ma-ên, con trai của A-ga, đã chế nhạo Ysác. Sa-ra bảo Áp-ra-ham hãy loại bỏ A-ga và Ích-ma-ên và Ích-ma-ên không bao giờ được chia quyền thừa kế với Y-sác. Lời này làm Áp-ra-ham rất buồn lòng, nhưng Đức Chúa Trời bảo ông hãy làm theo những gì Sa-ra đã nói và rằng do nơi Y-sác sẽ sanh ra dòng dõi lưu danh ông. Áp-ra-ham đuổi A-ga và Ích-ma-ên đi, và Đức Chúa Trời đã đáp ứng nhu cần cho họ (Sáng thế ký 21:8–21). Sau đó, Đức Chúa Trời đã thử Áp-ra-ham bằng cách yêu cầu ông dâng Y-sác làm của lễ thiêu. Áp-ra-ham sẵn lòng từ bỏ con trai mình, tin rằng bằng cách nào đó Đức Chúa Trời vẫn giữ đúng lời hứa của Ngài (Sáng thế ký 22; Hê-bơ-rơ 11:17–19).

Sa-ra là một người phụ nữ giản dị, xinh đẹp (Sáng thế ký 12:11) và rất con người; bà đã phạm sai lầm, giống như tất cả chúng ta đều làm. Bà đã đi trước Đức Chúa Trời và cố gắng tự mình giải quyết công việc của Ngài bằng cách dại dột sai người hầu gái của mình, A-ga, đến với Áp-ra-ham để sinh ra đứa con mà Đức Chúa Trời đã hứa. Khi làm như vậy, bà đã khơi dậy mối thù đã kéo dài 4.000 năm (Sáng thế ký 16:3). Bà đã cười không tin khi ở tuổi 90, bà nghe một thiên sứ nói với Áp-ra-ham rằng bà sẽ thọ thai (Sáng thế ký 18:12), nhưng bà đã sinh ra đứa con của lời hứa và sống thêm 30 năm nữa, bà qua đời ở tuổi 127 (Sáng thế ký 23:1).

Hê-bơ-rơ 11:11 sử dụng Sa-ra như một tấm gương về đức tin: "Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín."

I Phi-e-rơ 3:5–6 sử dụng Sa-ra như một tấm gương về một người phụ nữ thánh thiện hy vọng nơi Đức Chúa Trời và trang điểm cho mình bằng cách phục tùng chồng mình. Sa-ra sẵn lòng rời bỏ nhà mình và bước vào nơi vô định để đi theo Áp-ra-ham, khi ông đi theo chỉ dẫn của một vị Chúa mà lúc đó bà chưa quen biết. Bà đã chịu đựng rất nhiều để cố gắng sinh ra người thừa kế cho chồng và giữ cho chồng được an toàn ở những vùng đất nguy hiểm. Cuối cùng, bà có đủ đức tin để tin rằng bà và chồng, ở tuổi chin mươi và một trăm, sẽ sinh ra đứa con thừa kế như đã hứa là Y-sác. Mặc dù sống trong một thế giới đầy nguy hiểm và hỗn loạn, Sa-ra vẫn đứng vững trong sự cam kết của mình với chồng và với Đức Chúa Trời, và sự cam kết của bà đã được tưởng thưởng bằng phước lành.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Sa-ra?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries