Câu hỏi
Vì sao bốn sách Phúc Âm dường như trình bày những thông điệp cứu rỗi khác với phần còn lại của Tân Ước?
Trả lời
Chúng ta phải ghi nhớ rằng Kinh Thánh cần được xem như một tác phẩm hoàn chỉnh. Các sách được xếp trước 4 Sách Phúc Âm có tính tiên báo, và các sách xếp sau mang tính diễn giải. Xuyên suốt cả Kinh Thánh, điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta đó là đức tin (Sáng Thế Ký 15:6; Thi Thiên 2:12; Ha-ba-cúc 2:4; Ma-thi-ơ 9:28; Giăng 20:27; Ê-phê-sô 2:8; Hê-bơ-rơ 10:39). Sự cứu rỗi không đến bởi việc lành của chúng ta mà bởi đức tin nơi những gì Chúa đã làm cho con người.
Mỗi sách Phúc Âm nhấn mạnh một điểm khác nhau về cuộc đời chức vụ của Đấng Christ. Ma-thi-ơ, viết cho độc giả Do Thái, nhấn mạnh việc Chúa Giê-xu làm ứng nghiệm lời tiên tri của Cựu Ước, chứng minh rằng Ngài chính là Đấng Mê-si-a được mong chờ bấy lâu. Mác viết một Phúc Âm có nhịp điệu nhanh, tình tiết cô đọng, nói về những công việc lạ kỳ của Chúa Giê-xu và không ghi chép lại những bài giảng dài của Ngài. Lu-ca xây dựng hình ảnh Chúa Giê-xu là phương thuốc chữa lành cho tật bệnh của thế gian, nhấn mạnh nhân tính hoàn hảo của Ngài cùng nỗi xót thương rất đỗi con người đối với những kẻ yếu, người khốn khổ, và nằm ở rìa xã hội. Giăng nhấn mạnh thần tính của Chúa Giê-xu qua việc chọn lọc những cuộc đối thoại và câu nói của Ngài về chủ đề đó, kèm theo những “dấu lạ” để chứng minh rằng Ngài chính là Con Đức Chúa Trời.
Bốn Sách Phúc Âm kết hợp lại để đem đến một lời chứng trọn vẹn về Chúa Giê-xu, một bức chân dung tuyệt đẹp của Đấng Thần Nhân. Mặc dù các sách Phúc Âm có khác biệt đôi chút về cách tiếp cận, nhưng Chủ Đề Chính vẫn như nhau. Tất cả đều bày tỏ Chúa Giê-xu là Đấng đã chịu chết để cứu lấy tội nhân. Tất cả đều ghi chép lại sự phục sinh của Ngài. Dù cho trước giả khắc họa Chúa Giê-xu là một vị Vua, một Tôi Tớ, là Con Người, hay Con Đức Chúa Trời, thì tất cả đều có chung một mục đích là đưa con người đi đến đặt niềm tin nơi Ngài.
Giờ chúng ta sẽ đi sâu vào thần học của từng sách Phúc Âm. Phúc Âm Giăng bao gồm nhiều lời tuyên bố về đức tin và đòi hỏi niềm tin nơi người đọc. Những nội dung này trùng khớp với mục đích mà trước giả đưa ra, “'Nhưng các việc nầy được ghi chép để anh em tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi anh em tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31). Các Phúc Âm khác (Tin Lành Cộng Quan) cũng xem trọng không kém việc đọc giả tìm thấy niềm tin nơi Đấng Christ. Lời kêu gọi về đức tin trong các sách này ít trực diện hơn nhưng vẫn rất chân thành.
Chúa Giê-xu công bố rằng con người cần sự công bình, và Ngài cảnh báo về hình phạt của tội lỗi, chính là địa ngục. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu luôn luôn bày tỏ Đức Chúa Trời là tiêu chuẩn của sự công bình và chính Ngài là phương cách để đạt đến sự công bình ấy. Nếu không có Đấng Christ, sự công bình sẽ mãi mãi ngoài tầm với, còn địa ngục thì không thể tránh khỏi. Bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5-7) là ví dụ cho điều này:
- Chúa Giê-xu khởi đầu Bài Giảng Trên Núi bằng sự mô tả về một đời sống phước hạnh (Ma-thi-ơ 5:1-12). Tám Phước Lành không chỉ cho chúng ta biết “làm thế nào” để trở nên công bình, nhưng chỉ đơn giản mô tả sự công bình cho chúng ta.
- Ngài bày tỏ chính Ngài là sự ứng nghiệm của Luật pháp Cựu Ước (Ma-thi-ơ 5:17-18). Đây là điểm then chốt bởi vì, để tự đạt đến sự công bình, chúng ta phải làm trọn luật pháp; tại đây, Chúa Giê-xu phán rằng Ngài sẽ làm điều đó cho chúng ta.
- Ngài phán rằng không có việc lành nào có thể mua được cho chúng ta chiếc vé vào thiên đàng (Ma-thi-ơ 5:20). Đây là một tuyên bố quan trọng khác trong bài giảng này. Người Pha-ri-si là những người giữ theo luật pháp tôn giáo nghiêm ngặt nhất thời bấy giờ, nhưng Chúa Giê-xu phán rằng đến cả họ cũng còn chưa đủ tốt để được vào thiên đàng. Chúa Giê-xu nói tiếp rằng hệ thống tôn giáo không thể cứu rỗi chúng ta, mà phải là chính Ngài.
- Ngài khai mở thêm cách hiểu về sự công bình và định nghĩa nó theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, thay vì cách diễn giải luật pháp của con người (Ma-thi-ơ 5:21-48). Ngài giải thích ý định của Chúa đằng sau Luật pháp Cựu Ước. Tiêu chuẩn này cao đến nỗi tất cả mọi người, kể cả những người thực hành tôn giáo sốt sắng nhất, cũng trở nên tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời.
- Ngài mô tả ba hoạt động tôn giáo phổ biến – bố thí, cầu nguyện và kiêng ăn – là giả hình nếu được thực hiện theo tôn giáo bề ngoài (Ma-thi-ơ 6:1-18). Sự tập chú của Chúa Giê-xu, như luật pháp mà Ngài vừa nhắc đến, là nhìn vào tình trạng tấm lòng của con người, chứ không phải công việc bề ngoài mà người ta nhìn thấy.
- Ngài cảnh báo rằng trong ngày phán xét sẽ có “nhiều người” trước kia từng thi hành phép lạ trong danh Chúa sẽ bị đuổi khỏi thiên đàng (Ma-thi-ơ 7:21-13). Lý do là vì Chúa Giê-xu chưa bao giờ “biết” họ. Không hề có một mối liên hệ mật thiết, mà chỉ có việc “lành” thôi, thì không đủ.
- Chúa Giê-xu kết thúc Bài Giảng Trên Núi với tuyên bố mạnh mẽ rằng Ngài là nền tảng duy nhất để con người có thể xây dựng đời sống tôn giáo của mình (Ma-thi-ơ 7:24-27). Đó là một lời kêu gọi để tin cậy vào những “lời ta phán đây” đủ để từ bỏ tất cả những nền tảng khác.
Tóm tắt lại, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-xu đã tỉ mỉ phá vỡ tôn giáo về việc lành của người Pha-ri-si, hướng đến một sự thánh khiết cao hơn chúng ta, và đặt chính mình Ngài làm cơ sở duy nhất cho niềm tin. Chấp nhận những gì Chúa Giê-su phán trong bài giảng này đòi hỏi phải có niềm tin vào Con Người của Ngài.
Phúc Âm Ma-thi-ơ tiếp tục nhấn mạnh về niềm tin, tối thiểu là qua những câu Kinh Thánh sau: Ma-thi-ơ 8:10, 13, 26; 9:2, 22, 28-29; 12:21; 13:58; 14:31; 15:28; 16:8; 17:17; và 18:6. Hơn nữa, Ma-thi-ơ cũng ký thuật sự bày tỏ rõ ràng về Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời qua cuộc đối thoại sau đây: “Ngài phán rằng: “Còn các con thì nói Ta là ai?” Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Thầy là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống.” Đức Chúa Giê-xu phán với người: “Hỡi Si-môn, con Giô-na, phước cho con! Vì không phải thịt và máu bày tỏ điều nầy cho con, mà là Cha Ta ở trên trời” (Ma-thi-ơ 16:15-17).
Phúc Âm Mác chứa đựng ít nhất là các phân đoạn Kinh Thánh sau về niềm tin nơi Đấng Christ: Mác 1:15; 2:5; 4:40; 5:34, 36; 6:6; 9:19, 23, 42; 10:52; 11:23; và 16:14. Trong Phúc Âm Lu-ca chúng ta thấy ít nhất mấy câu Kinh Thánh sau thúc đẩy niềm tin nơi Đấng Christ: Lu-ca 5:20; 7:9, 50; 8:12, 25, 48, 50; 9:41; 12:28, 46; 17:19; 18:8, 42; và 24:25. Trên con đường tiếp tục nhìn nhận Kinh Thánh như là một thể thống nhất, chúng ta sẽ khám phá ra rằng chỉ có một thông điệp duy nhất về sự cứu rỗi, và Bốn Sách Phúc Âm cung ứng một nền tảng cho thông điệp ấy.
Các Thư Tín theo sau các Sách Phúc Âm phát triển thông điệp dựa trên cùng một nền tảng: sự cứu rỗi bởi đức tin nơi Đấng Christ. Chủ đề bao trùm thư Rô-ma là sự công bình đến bởi Đức Chúa Trời và tín lý về sự xưng công bình nhờ ân điển bởi đức tin. Chủ đề trọng tâm của thư Ga-la-ti và Cô-lô-se cũng tương tự như vậy. Thư Hê-bơ-rơ nhấn mạnh vào sự hoàn hảo và trổi hơn của Đấng Christ, là “Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin” (Hê-bơ-rơ 12:2). Thư Cô-rinh-tô thứ nhất và thứ nhì, Ê-phê-sô, Phi-líp, Thê-sa-lô-ni-ca nhất và nhì, các thư tín mục vụ gửi cho Ti-mô-thê và Tít, sách Phi-lê-môn, Gia-cơ, Phi-e-rơ nhất và nhì, tất cả đều mô tả một đời sống thánh khiết, cả ở khía cạnh cá nhân lẫn tập thể trong hội thánh, và hy vọng trong tương lai vốn là kết quả tự nhiên của một đời sống trong Đấng Christ. Cả ba thư tín của Giăng nhắc lại nần tảng cơ bản của đức tin và cảnh báo về những kẻ sẽ tìm cách lay chuyển nền tảng ấy, cũng tương tự như trong sách Giu-đe. Khải Huyền, sách cuối cùng của Tân Ước, trình bày những công việc sau chót trong kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại và kết quả của những ai nắm chắc lấy niềm tin được bày tỏ trong toàn bộ Kinh Thánh Tân Ước – niềm tin nơi Đấng Christ mà thôi.
English
Vì sao bốn sách Phúc Âm dường như trình bày những thông điệp cứu rỗi khác với phần còn lại của Tân Ước?