Câu hỏi
Có bất kỳ giá trị nào đối với các mã (Những quy tắc được sắp xếp theo hệ thống) có trong Kinh Thánh?
Trả lời
Mã Kinh Thánh là những thông điệp ẩn được cho là tồn tại trong văn bản gốc của Kinh Thánh. Nhiều người tuyên bố đã phát hiện ra mật mã (quy tắc) trong Kinh Thánh bằng cách sử dụng các mẫu toán học. Một số mã được tìm thấy bằng cách đếm các chữ cái hoặc bằng cách gán các giá trị số cho mỗi chữ cái trong một văn bản (được gọi là "theomatics"). Các mã phức tạp hơn đang được tìm thấy với sự trợ giúp của máy tính. Ví dụ, một số người đã xem Ê-sai 53:5 (“Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.") và sử dụng từng mỗi chữ cái thứ mười hai trong tiếng Do Thái để ráp nối thành câu "Giê-su là danh của ta".
Vì vậy, một số mật mã trong Kinh Thánh dường như khải thị (tiết lộ) những thông tin cụ thể và có ý nghĩa. Chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn khả năng Chúa đã “giấu” những thông điệp trong Lời Ngài. Chắc chắn Đức Chúa Trời có thể cấu trúc Lời của Ngài được soi dẫn theo một cách phức tạp như vậy. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa muốn chúng ta hiểu biết Lời của Ngài (2 Ti-mô-thê 3:16–17), vì vậy chúng ta phải hỏi tại sao Ngài lại “che giấu” thông tin có giá trị mà con người không thể giải mã trong hàng ngàn năm.
Có một số vấn đề với ý tưởng về mật mã trong Kinh Thánh. Thứ nhất, Kinh Thánh không bao giờ ám chỉ đến sự tồn tại của các mã nội hàm (ngoại trừ Châm ngôn 25:2), vì vậy tất cả các mã Kinh Thánh đều là kết quả của các cấu trúc bởi con người chồng lên văn bản. Chúa Giê-su, trong tất cả những lần Ngài trích dẫn các đoạn Kinh Thánh, chưa bao giờ sử dụng “mã Kinh Thánh” để rút ra một ý nghĩa. Sứ đồ Phao-lô, trong tất cả những lần ông trích dẫn các phần Kinh Thánh Cựu ước, không bao giờ sử dụng một "mã Kinh Thánh" nào để cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn. Điều tương tự cũng có thể được nói đối với tất cả các tác giả Kinh Thánh khác. Ngoài ra, các mã Kinh Thánh cũng không cần thiết. Những gì chúng ta cần biết và áp dụng đều đủ rõ ràng khi đọc Lời Chúa một cách “thẳng thắn”. Sự cứu rỗi của chúng ta đến thông qua việc kêu cầu Đấng Christ cứu chúng ta khỏi tội lỗi của mình. Việc kêu cầu Đấng Christ đến khi chúng ta đặt đức tin nơi Ngài. Đức tin đến là kết quả của việc nghe Lời Chúa. Sự lắng nghe xảy ra khi mọi người đi ra và rao giảng Lời Chúa cho người khác (Rô-ma 10:9–17). Sau khi được cứu rỗi, chúng ta lớn lên trong Đấng Christ khi chúng ta nuôi dưỡng Lời Chúa (Thi thiên 119:9–11,105; 2 Ti-mô-thê 3:16–17; 1 Phi-e-rơ 2:2). Tất cả những đoạn văn này đều đề cập đến việc lấy văn bản Kinh Thánh theo giá trị bề ngoài và áp dụng các nguyên tắc của nó. Sự cứu rỗi và sự thánh hóa không phụ thuộc vào việc tìm kiếm các mật mã trong Kinh Thánh.
Ngoài ra, việc xác định các mã Kinh Thánh luôn có phần tùy tiện. Quá trình khám phá và diễn giải phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của nhà nghiên cứu. Điều này đặc biệt đúng khi các mật mã trong Kinh Thánh được coi là mang tính tiên tri.
Kinh Thánh có phải là một quyển sách phức tạp không? Đúng. Có phải Kinh Thánh phức tạp hơn chúng ta biết? Đúng, chắc chắn là như vậy. Có thể nào Chúa đã lồng những thông điệp ẩn giấu vào văn bản gốc của Kinh Thánh? Đúng, có thể có những mật mã tồn tại trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, một lần nữa, việc đọc Kinh Thánh đơn giản sẽ nói lên điều đó. Tất cả những gì chúng ta cần từ Kinh Thánh đều có được từ việc nghiên cứu trực tiếp văn bản của nó (2 Ti-mô-thê 2:15; 3:16–17). Không cần phải tốn thời gian đếm các chữ cái, tìm kiếm trình tự và sắp xếp văn bản theo nhiều mạng lưới khác nhau để tìm ra những gì tạo nên những khuôn mẫu đáng ngờ và các diễn giải chủ quan.
English
Có bất kỳ giá trị nào đối với các mã (Những quy tắc được sắp xếp theo hệ thống) có trong Kinh Thánh?