Câu hỏi
Một người tin Chúa nên dáp ứng thế nào trước những thuộc tính của Đức Chúa Trời?
Trả lời
Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho các tín hữu qua Lời của Ngài (Kinh Thánh) và qua Con Ngài (Đức Chúa Giê-su Christ). Càng nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta càng hiểu được những thuộc tính, những đức tính mà Ngài sở hữu. Là con người, chúng ta rất khó khăn để hiểu tường tận quyền năng và sự uy nghiêm của Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra thời gian, không gian, vật chất và mọi sự sống. “Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai 55:9).
Mục đích của bài viết này, chúng ta sẽ tập chú vào ba thuộc tính chính của Đức Chúa Trời và phản ứng của tín đồ đối với mỗi thuộc tính đó.
Có lẽ thuộc tính quan trọng nhất của Đức Chúa Trời là thuộc tính thánh khiết của Ngài. Ê-sai 6:3 và Khải Huyền 4:8 nhấn mạnh 3 lần về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay Giê-hô-va Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến”. Chỉ khi một người nhìn thấy sự thánh khiết của Đức Chúa Trời so với tội lỗi của con người thì mới có hy vọng ăn năn thật sự. Khi chúng ta nhận ra hậu quả khủng khiếp của tội lỗi và nghĩ rằng Con của Đức Chúa Trời vô tội đã phải chịu hình phạt của chúng ta, điều đó khiến chúng ta phải quỳ gối. Chúng ta im lặng trước sự thánh thiện của Đức Chúa Trời, sững sờ trước sự tôn kính mà sự thánh thiện đó đòi hỏi ... Giống như Gióp, chúng ta nói rằng “Tôi vốn là vật không ra gì, sẽ đáp chi với Chúa? Tôi đặt tay lên che miệng tôi” (Gióp 39:37). Hiểu được sự thánh khiết của Đức Chúa Trời khiến chúng ta ca ngợi lòng trắc ẩn của Ngài (2 Cô-rinh-tô 1:3), lòng thương xót (Rô-ma 9:15), ân điển và sự tha thứ (Rô-ma 5:17) đối với chúng ta. “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố chấp sự gian ác. Thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống? Nhưng Chúa có lòng tha thứ cho, Để người ta kính sợ Chúa” (Thi Thiên 130:3–4).
Có lẽ thuộc tính quý nhất của Đức Chúa Trời là tình yêu thương của Ngài. Tình yêu đòi hỏi mối liên hệ, và trong suốt cõi đời đời, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh đã cùng tồn tại trong mối liên hệ. Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, và chúng ta được tạo dựng để có mối liên hệ với Ngài (Sáng thế ký 1:27; Rô-ma 1:19–20). Đó là mức độ yêu thương của Đức Chúa Trời đến nổi Ngài đã sai Con Một của Ngài đến để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. “Bởi đó chúng ta nhận biết tình yêu thương, ấy là vì Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống” (1 Giăng 3:16). “Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương … Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (1 Giăng 4:16-19). Đức Chúa Trời đã cung ứng một phương án cho tội lỗi qua con người của Chúa Giê-su Christ. Chúa Giê-su đã đến để gánh thay án phạt của tội lỗi và thỏa mãn sự công chính của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1–5, 14, 29). Tại Đồi Sọ, tình yêu hoàn hảo và sự công chính hoàn hảo của Đức Chúa Trời đã được đồng thời bày tỏ. Khi chúng ta có được tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời, chúng ta cần thể hiện sự khiêm nhường, ăn năn và yêu thương nhau. Giống như Đa-vít, chúng ta xin Chúa dựng nên trong chúng ta một lòng trong sạch và một tâm linh ngay thẳng (Thi thiên 34:18; 51:10, 17). Đức Chúa Trời ngự ở nơi cao và thánh, nhưng ở với Ngài là những tín hữu có lòng thống hối và khiêm nhường (Ê-sai 57:15).
Cuối cùng, chúng ta sẽ nói đến sự quyền năng của Đức Chúa Trời (Thi thiên 71:16; Ê-sai 40:10). Đức Chúa Trời là Đấng hằng hữu, từ đời đời nầy đến đời đời khác (Thi Thiên 90:2). Ngài là nguồn của mọi sự sống (Rô-ma 11:33–36). Ngài độc lập với sự sáng tạo của Ngài (Công vụ 17:24–28). Áp-ra-ham, Sa-mu-ên, Ê-sai, Đa-ni-ên và Đa-vít đều thừa nhận Đức Chúa Trời là Chúa Tối thượng của họ: “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, tổ phụ chúng tôi ôi! đáng chúc tạ Ngài cho đến đời đời vô cùng! Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật. Hoặc sự giàu có, hoặc sự vinh quang, đều do Chúa mà đến, và Chúa quản trị trên muôn vật; quyền năng và thế lực ở nơi tay Chúa; tay Chúa khiến cho được tôn trọng và ban sức mạnh cho mọi người. Bây giờ, Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! chúng tôi cảm tạ Chúa và ngợi khen danh vinh hiển của Ngài” (Lời của Đa-vít trong 1 Sử ký 29:10-13). Người tin Chúa tôn vinh Đấng Tối Cao, là Đấng đã mua chuộc chúng ta, và chúng ta vui mừng vâng phục Ngài (Gia-cơ 4:7; Giu-đe 1:4).
Vua Đa-vít đã hùng hồn tóm tắt những thuộc tính của Đức Chúa Trời: “Đức Giê-hô-va cai trị; Ngài mặc sự oai nghi; Đức Giê-hô-va mặc mình bằng sức lực, và thắt lưng bằng sự ấy: Thế gian cũng được lập vững bền, không thế bị rúng động. Ngôi Chúa đã lập vững từ thời cổ; Chúa hằng có từ trước vô cùng … Đức Giê-hô-va ở nơi cao có quyền năng Hơn tiếng nước lớn, Hơn các lượn sóng mạnh của biển. Hỡi Đức Giê-hô-va, các chứng cớ Ngài rất là chắc chắn: Sự thánh khiết là xứng đáng cho nhà Ngài đến đời đời” (Thi Thiên 93:1–2, 4–5).
Một số người có đức tin đã được đặc ân trải nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời, được Chúa nói chuyện trực tiếp với họ. Đây là cách một số người trong số họ đáp lời:
Môi-se xin được nhìn thấy vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Chúa đồng ý khiến mọi sự nhân từ của Ngài đã được bày tỏ trước mặt Môi-se. “Khi sự vinh hiển ta đi ngang qua, ta sẽ để ngươi trong bộng đá, lấy tay ta che ngươi, cho đến chừng nào ta đã đi qua rồi. Ta sẽ rút tay lại, và ngươi thấy phía sau ta; nhưng thấy mặt ta chẳng được.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:21–22). Phản ứng của Môi-se là cúi xuống đất và thờ lạy (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6–8). Giống như Môi-se, người tin Chúa sẽ cúi xuống và thờ lạy Ngài, lòng đầy kính sợ khi chiêm ngưỡng vinh quang là Đức Chúa Trời của chúng ta.
Gióp không bao giờ đánh mất đức tin nơi Đức Chúa Trời, ngay cả trong những hoàn cảnh tan vỡ nhất đã thử thách ông đến tận cùng. “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài; nhưng ta sẽ bênh vực tánh hạnh ta trước mặt Ngài” (Gióp 13:15). Gióp đã hoàn toàn bị Đức Chúa Trời làm cho im lặng khi Ngài phán với ông từ trong cơn bão. Gióp thú nhận rằng ông đã nói về những điều ông không hiểu, những điều quá tuyệt vời mà ông không thể biết được. “Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi” (Gióp 42:6; xem Gióp 42:1–6). Giống như Gióp, phản ứng của chúng ta đối với Chúa phải là sự vâng phục một cách khiêm nhường và tin cậy, phục tùng ý muốn của Ngài, cho dù chúng ta có hiểu hay không.
Ê-sai đã nhìn thấy Chúa ngự trên ngai và các sê-ra-phim kêu lên: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân; khắp đất đầy sự vinh hiển Ngài” (Ê-sai 6:3). Chứng kiến điều này choáng ngợp đến nỗi Ê-sai phải kêu lên: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân” (Ê-sai 6:5; xem Ê-sai 6:1–5). Ê-sai nhận ra mình là tội nhân trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời thánh khiết, và phản ứng của ông là ăn năn. Tầm nhìn của Giăng về ngai của Đức Chúa Trời ở trên trời khiến ông vô cùng kính phục. Giăng ngã xuống như chết dưới chân Chúa vinh hiển (Khải Huyền 1:17–18). Giống như Ê-sai và Giăng, chúng ta khiêm nhường trước sự hiện diện uy nghi của Đức Chúa Trời.
Có nhiều thuộc tính khác của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Kinh Thánh. Sự thành tín của Chúa khiến chúng ta tin cậy Ngài. Ân sủng của Ngài gợi lên lòng biết ơn trong chúng ta. Sức mạnh của Chúa kích động sự sợ hãi. Sự hiểu biết của Ngài khiến chúng ta cầu xin Ngài sự khôn ngoan (Gia-cơ 1:5). Những người biết Chúa sẽ cư xử trong sự thánh khiết và tôn trọng (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:4–5).
English
Một người tin Chúa nên dáp ứng thế nào trước những thuộc tính của Đức Chúa Trời?