Câu hỏi
Có phải những phép lạ trong Kinh thánh được diễn ra theo nghĩa đen?
Trả lời
Vâng, những phép lạ trong Kinh thánh được diễn ra theo nghĩa đen. Tất cả những gì trong Kinh thánh đều được diễn ra theo nghĩa đen, ngoại trừ những phần rõ ràng có ý muốn tượng trưng. Một ví dụ về sự tượng trưng là trong Thi thiên 17:8. Theo nghĩa đen, chúng ta không phải là con ngươi trong mắt Chúa, và Chúa cũng không có cánh. Những phép lạ không phải là những sự việc tượng trưng, mà chúng là những sự kiện có thật thực sự đã xảy ra. Từng phép lạ trong Kinh thánh đều đáp ứng một mục đích và thực hiện một điều gì đó mà không thể được thực hiện bằng bất cứ cách nào khác.
Phép lạ đầu tiên và sâu sắc nhất trong tất cả các phép lạ đó là sự sáng tạo. Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên vạn vật ex nihilo – từ không có gì – và từng phép lạ tiếp theo cũng cố cho quyền năng lạ thường của Ngài. Sách Xuất Ê-díp-tô-ký đầy dẫy những sự kiện lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã từng thực hiện theo ý muốn của Ngài. Những tai vạ ở Ê-díp-tô, bắt đầu với nước sông Nile bị hóa thành huyết (Xuất Ê-díp-tô ký 7:17) và kết thúc với tại vạ là sự chết của con đầu lòng trong cả xứ Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô 12:12) là những sự kiện theo nghĩa đen mà thực sự khiến cho Pha-ra-ôn phải giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ. Nếu những tai vạ này không xảy ra, thì tại sao Pha-ra-ôn lại để cho dân sự đi? Và nếu sự chết của con đầu lòng chưa bao giờ xảy ra, thì Đức Chúa Trời đã không đi qua xứ Ê-díp-tô vào đêm đó và cũng không có bất cứ lý do nào để dân Y-sơ-ra-ên phải bôi huyết trên hai thanh dọc của cửa ra vào của họ. Nếu vậy thì hình bóng về sự đổ huyết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá không có giá trị, dẫn đến sự nghi ngờ về việc bị đóng đinh trên thập tự giá. Một khi chúng ta bắt đầu nghi ngờ về tính xác thực của bất kì phép lạ nào, thì chúng ta sẽ xem thường mọi điều Kinh thánh nói xuất phát từ phép lạ đó, và cuối cùng dẫn đến nghi ngờ mọi điều về Kinh thánh.
Một trong số những phép lạ được biết đến nhiều nhất trong Cựu Ước là sự phân rẽ nước ở Biển Đỏ (Xuất Ê-díp-tô ký 14), trong suốt lúc Pha-ra-ôn và toàn bộ đạo binh của ông bị chết đuối. Nếu sự việc này chỉ là biểu tượng, thì chúng ta có thể tin vào bất cứ phần nào còn lại của câu chuyện không? Dân Y-sơ-ra-ên có thật sự đã rời khỏi Ê-díp-tô không? Đạo quân của Pha-ra-ôn có thật sự đuổi theo họ không và nếu vậy thì làm thế nào dân Y-sơ-ra-ên đã trốn thoát được?
Thi thiên 78 là một trong nhiều phân đoạn mà Đức Chúa Trời nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về những phép lạ mà Ngài đã làm để giải phóng họ khỏi ách nô lệ của người Ê-díp-tô. Những phép lạ này cũng nâng cao nhận thức của những quốc gia phụ cận về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và chứng minh rằng Ngài là Đức Chúa Trời có thật duy nhất (Giô-suê 2:10). Những thần tượng ngoại giáo bằng gỗ và đá của họ không có khả năng làm được những phép lạ như vậy.
Trong Tân Ước, Chúa Giê-xu đã thực hiện rất nhiều phép lạ, bắt đầu với phép lạ ở tiệc cưới tại thành Ca-na, là nơi mà Ngài đã hóa nước thành rượu (Giăng 2:1-10). Phép lạ kỳ lạ nhất mà Ngài đã làm có lẽ là khiến cho La-xa-rơ sống lại sau khi ông đã chết bốn ngày (Giăng 11). Tất cả những phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm chứng minh rằng Ngài thật sự là ai khi Ngài nói Ngài là – Con trai của Đức Chúa Trời. Khi Ngài khiến cho cơn bão lắng xuống trong Ma-thi-ơ 8, ngay cả các môn đồ cũng ngạc nhiên: “Những người đó lấy làm lạ, nói rằng: ‘Người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?’” (câu 27). Nếu những phép lạ của Chúa Giê-xu không có thật, thì những lời giải trình phúc âm về những sự chữa lành của Chúa Giê-xu chỉ là những câu chuyện thú vị, và những người đó vẫn còn bị đau đớn bởi bệnh tật, sinh ra sự nghi nghờ về lòng thương cảm của Ngài (Ma-thi-ơ 14:14; 10:34; Mác 1:41). Nếu Ngài đã không thực sự cho hàng ngàn người ăn chỉ với một vài cái bánh và con cá, thì những người đó vẫn còn bị đói và lời của Chúa Giê-xu “các ngươi tìm ta … vì các ngươi đã ăn bánh và được no” (Giăng 6:26) không có ý nghĩa gì hết. Nhưng Chúa Giê-xu đã chữa lành, Ngài đã hóa ra thức ăn cho hàng ngàn người, Ngài đã hóa nước thành rượu, và Ngài đã khiến cho La-xa-rơ sống lại từ cõi chết. Giăng 2:23 nói cho chúng ta biết rằng nhiều người đã “tin” vì thấy phép lạ Ngài làm.
Mọi phép lạ đều có một mục đích là chứng minh rằng Đức Chúa Trời không giống với bất kì ai khác, Ngài hoàn toàn điều khiển sự sáng tạo, và nếu Ngài có thể làm tất cả những điều kì lạ đó, thì không có điều gì trong cuộc sống của chúng ta mà quá khó để Ngài giải quyết. Ngài muốn chúng ta tin cậy Ngài và biết rằng Ngài cũng có thể làm những phép lạ trong cuộc sống của chúng ta. Nếu những phép lạ đã không xảy ra, thì làm sao chúng ta có thể tin bất cứ điều gì Kinh thánh nói với chúng ta? Làm sao chúng ta có thể tin những tin tức tốt lành về sự sống đời đời thông qua Đấng Christ mà Kinh thánh nói? Khi chúng ta bắt đầu nghi ngờ bất cứ phần nào trong Kinh thánh, thì tất cả Lời Chúa đều bị nghi ngờ và chúng ta đang mở cửa cho sự lừa dối và sự bóp méo của Sa-tan vì nó cố gắng phá hủy đức tin của chúng ta (I Phi-e-rơ 5:8). Kinh thánh được đọc và được hiểu theo nghĩa đen, bao gồm cả những lời miêu tả về những phép lạ.
English
Có phải những phép lạ trong Kinh thánh được diễn ra theo nghĩa đen?