Câu hỏi
Tại sao sự sống lại của Chúa Giê-su lại quan trọng?
Trả lời
Sự sống lại của Chúa Giê-su quan trọng vì một vài lý do. Đầu tiên, sự kiện này là bằng chứng cho quyền năng tối uy của Đức Chúa Trời. Tin vào sự sống lại là tin vào Đức Chúa Trời. Nếu Chúa tồn tại, và nếu Ngài thật sự tạo ra vũ trụ và có quyền năng trên nó, thì hẳn là Ngài có quyền năng làm người chết sống lại. Nếu Ngài không có quyền năng đó, Ngài không phải là một Đức Chúa Trời đáng để chúng ta tín ngưỡng và thờ phụng. Chỉ có Đấng tạo ra sự sống mới có thể phục sinh nó sau sự chết, chỉ có Ngài có thể đảo ngược lại sự xấu xa tột cùng chính là sự chết, và chỉ có Ngài mới có thể loại bỏ đi cái nọc chính là sự chết và sự thắng của huyệt mộ (1 Cô-rinh-tô 15:54-55). Khi phục sinh Chúa Giê-su từ huyệt mộ, Đức Chúa Trời nhắc nhở chúng ta về quyền tối cao tuyệt đối của Ngài trên sự sống và cái chết.
Điều thứ hai, sự sống lại của Chúa Giê-su làm chứng cho sự sống lại của con người, đây chính là một trong những giáo lý chính trong đức tin Cơ Đốc. Không giống như các tín ngưỡng khác, chỉ ở Cơ Đốc giáo chúng ta có một người sáng lập đã vượt qua cái chết và Ngài hứa rằng những kẻ theo hầu Ngài cũng sẽ kinh nghiệm điều đó. Tất cả các tôn giáo khác đều được sáng lập bởi những người và những nhà tiên tri kết thúc cuộc đời bằng cái chết. Là người Cơ Đốc, chúng ta có sự an ủi là Đức Chúa Trời đến trong hình người, chết cho tội lỗi của chúng ta, và được phục sinh trong ngày thứ ba. Huyệt mộ không thể kìm giữ Ngài. Ngài sống, và ngày nay ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời trên thiên đường.
Trong 1 Cô-rinh-tô 15, Phao-lô giải thích cặn kẽ tầm hệ trọng của sự sống lại của Đức Chúa Giê-su Christ. Một số người ở Cô-rinh-tô không tin vào sự phục sinh của người chết, và trong chương này Phao-lô đưa ra sáu hậu quả thảm khốc nếu thật sự không có sự phục sinh: 1) sự giảng dạy về Chúa Giê-su là luống công (c. 14); 2) đức tin vào Chúa Giê-su là vô ích (c. 14); 3) tất cả những nhân chứng và người truyền giảng về sự sống lại đều làm chứng dối (c. 15); 4) không ai được cứu chuộc khỏi tội lỗi (c. 17); 5) tất cả những tín đồ đi trước dều hư mất đời đời (c. 18); và 6) Cơ Đốc nhân là những kẻ khốn nạn nhất trên đất này (c. 19) Nhưng Đức Chúa Giê-su thật sự đã sống lại từ sự chết và “trở thành trái đầu mùa của những kẻ ngủ" (c. 20), đảm bảo rằng chúng ta cũng sẽ theo Ngài trong sự sống lại.
Lời được Chúa soi dẫn đảm bảo sự sống lại của các tín hữu khi Chúa Giê-su trở lại lần thứ hai cho Thân của Ngài (Hội thánh) trong “sự cất Hội thánh lên trời” (Rapture). Niềm trông cậy và đảm bảo này khiến Phao-lô có thể hát vang bài ca thắng lợi trong 1 Cô-rinh-tô 15:55 “ Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?”
Những câu cuối này liên quan đến tầm hệ trọng của sự sống lại như thế nào? Phao-lô trả lời, “... anh em biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu" (c. 58). Ông nhắc lại rằng vì chúng ta biết chúng ta sẽ được sống lại trong cuộc đời mới, chúng ta có thể đối mặt với sự bắt bớ và những hiểm nguy vì danh Chúa (c. 29-31), cũng như Ngài đã làm vậy. Chúng ta có thể noi gương hàng ngàn ví dụ của những kẻ chết vì đạo trong lịch sử đã vui vẻ đánh đổi cuộc sống tạm bợ trên đất với cuộc sống đời đời qua sự phục sinh.
Sự phục sinh là một chiến thắng huy hoàng oanh liệt cho tất cả các tín đồ. Đức Chúa Giê-su Christ chết đi, được chôn, và sống lại trong ngày thứ ba theo Thánh kinh chép lại. Và, Ngài sẽ lại đến một lần nữa! Những kẻ ngủ trong Đức Chúa Giê-su sẽ sống lại, những kẻ sống và đang còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến cũng sẽ được biến đổi và nhận thân mới, được tôn vinh (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18). Tại sao sự sống lại của Đức Chúa Giê-su Christ lại hệ trọng với sự cứu rỗi? Vì nó chứng tỏ Đức Chúa Trời chấp nhận sự dâng mình làm của lễ thánh của Chúa Giê-su cho chúng ta. Nó chứng tỏ Đức Chúa Trời có sức mạnh để cho chúng ta sống lại từ sự chết. Nó đảm bảo là những người tin vào Chúa Giê-su sẽ không chết mãi, mà sẽ được phục sinh vào sự sống đời đời. Đấy chính là sự trông cậy hạnh phước của chúng ta!
English
Tại sao sự sống lại của Chúa Giê-su lại quan trọng?