Câu hỏi
Mối liên hệ của Đức Chúa Trời với thời gian là gì?
Trả lời
Chúng ta đang sống trong một thế giới vật chất với bốn chiều không gian và thời gian đã biết là chiều dài, chiều rộng, chiều cao (hoặc chiều sâu) và thời gian. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời ngự ở một Vương quốc khác – Vương quốc thần linh – nó vượt ra ngoài nhận thức về các giác quan vật lý của chúng ta. Không phải Đức Chúa Trời không có thật; vấn đề là Ngài không bị giới hạn bởi các quy luật vật lý và kích thước chi phối thế giới của chúng ta (Ê-sai 57:15). Nhận biết rằng “Đức chúa Trời là Thần” (Giăng 4:24), vậy mối liên hệ của Ngài với thời gian là gì?
Trong Thi Thiên 90:4, Môi-se đã sử dụng một phép so sánh đơn giản nhưng sâu sắc để mô tả sự vô tận của Đức Chúa Trời: “Vì một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh của đêm.” Sự vĩnh cửu của Chúa tương phản với tính tạm thời của con người. Cuộc sống của chúng ta tuy ngắn ngủi và mong manh, nhưng Chúa không hề suy yếu hay thất bại theo thời gian.
Theo một nghĩa nào đó, việc đánh dấu thời gian không liên quan đến Đức Chúa Trời vì Ngài vượt qua nó. Trong 2 Phi-e-rơ 3:8, đã cảnh báo độc giả của mình không để một sự thật quan trọng nầy thoát khỏi sự tập chú của họ - rằng quan điểm của Chúa về thời gian khác xa so với quan điểm của nhận loại (xem thêm Thi Thiên 102:12, 24-27). Đức Chúa Trời không bị ràng buộc bởi thời gian như chúng ta. Ngài ở trên và bên ngoài phạm vi thời gian. Đức Chúa Trời nhìn thấy tất cả quá khứ của sự vĩnh cửu và tương lai của sự vĩnh cửu. Thời gian trôi qua trên trái đất chỉ là một cái chớp mắt từ góc nhìn vô tận của Chúa. Một giây không khác gì ngàn năm; một tỷ năm trôi qua như vài giây đối với Đức Chúa Trời vĩnh cửu.
Mặc dù chúng ta không thể hiểu được ý tưởng về sự vĩnh cửu hoặc sự vượt thời gian (sự vô tận) của Chúa, với tâm trí hữu hạn của mình, chúng ta cố gắng giới hạn một Đức Chúa Trời vô hạn trong lịch trình thời gian của mình. Những người dại dột đòi hỏi Chúa hành động theo khung thời gian của họ bỏ qua sự thật rằng Ngài là “Đấng cao-cả, ở nơi đời đời vô cùng” (Ê-sai 57:15). Mô tả này về Đức Chúa Trời khác xa với tình trạng của con người: “Tuổi-tác của chúng tôi đến được bảy mươi, Còn nếu mạnh-khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu-căng của nó bất quá là lao-khổ và buồn thảm, Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi” (Thi-thiên 90:10).
Một lần nữa, với tâm trí hữu hạn chúng ta chỉ có thể nắm bắt một phần khái niệm về sự tồn tại vượt thời gian của Chúa. Và khi làm như vậy, chúng ta mô tả Ngài là một Đức Chúa Trời không có khởi đầu hay kết thúc, vĩnh cửu , đời đời, vô hạn v.v. Thi Thiên 90:2 tuyên bố: “Từ trước vô cùng cho đến đời Chúa là Đức Chúa Trời.” (xem thêm Thi Thiên 93:2). Đức Chúa Trời đã và sẽ luôn như vậy.
Vậy, thời gian là gì? Nói một cách đơn giản, thời gian là thời lượng. Đồng hồ của chúng ta đánh dấu sự thay đổi hoặc, chính xác hơn, đồng hồ của chúng ta là điểm chuẩn của sự thay đổi cho biết thời gian trôi qua. Vậy, chúng ta có thể nói rằng thời gian là điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự thay đổi là điệu kiện đủ để thiết lập thời gian trôi qua. Nói cách khác, bất cứ khi nào có sự thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta đều biết rằng thời gian đã trôi qua. Chúng ta sẽ thấy điều nầy khi chúng ta trãi qua cuộc sống, khi chúng ta già đi. Và chúng ta không thể khôi phục lại những giây phút đã trôi qua.
Ngoài ra, khoa học vật lý còn cho chúng ta biết rằng thời gian là một đặc tính do sự tồn tại của vật chất tạo ra. Như vậy, thời gian tồn tại khi vật chất tồn tại. Nhưng Đức Chúa Trời không phải là vật chất. Trên thực tế, Chúa đã tạo ra vật chất. Điểm mấu chốt là; thời gian bắt đầu khi Chúa tạo ra vũ trụ. Trước đó, Đức Chúa Trời chỉ đơn giản là hiện hữu. Vì không có vật chất, và bởi vì Chúa không thay đổi, thời gian không tồn tại và do đó nó không có ý nghĩa, không liên quan gì đến Ngài.
Và điều này đưa chúng ta đến ý nghĩa của từ vĩnh cửu (đời đời, vĩnh hằng). Vĩnh cữu là một thuật ngữ được sử dụng để thể hiện khái niệm về một cái gì đó không có kết thúc và/hoặc không có khởi đầu. Đức Chúa Trời không có khởi đầu hay kết thúc. Ngài ở ngoài lĩnh vực thời gian. Vĩnh cửu không phải là thứ có thể hoàn toàn liên quan đến Đức Chúa Trời. Chúa thậm chí còn vượt ra ngoài sự vĩnh cửu.
Kinh Thánh mạc khải rằng Đức Chúa Trời hiện hữu ngoài giới hạn của thời gian như chúng ta biết. Vận mệnh của chúng ta đã được thiết lập “từ trước muôn đời vô cùng” (2 Ti-mô-thê 1:9; Tít 1:2) và “trước khi sáng thế” (Ê-phê-sô 1:4; 1 Phi-e-rơ 1:20). “Bởi đức tin, chúng ta hiểu rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến” (Hê-bơ-rơ 11:3). Nói cách khác, vũ trụ vật chất mà chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận và trải nghiệm được tạo ra không phải từ vật chất hiện có, mà từ một nguồn độc lập với các chiều không gian vật lý mà chúng ta có thể cảm nhận được.
“Đức Chúa Trời là Thần” (Giăng 4:24), và, tương ứng, Đức Chúa Trời là vô tận (phi thời gian) hơn là vĩnh cửu trong thời gian hoặc vượt ra ngoài thời gian. Thời gian chỉ đơn giản được tạo ra bởi Đức Chúa Trời như một phần có giới hạn trong sự tạo dựng trong vũ trụ sử dụng một lần của Ngài (xem 2 Phi-e-rơ 3:10-12).
Sau khi hoàn tất công việc sáng tạo của Ngài, bao gồm cả việc tạo ra thời gian, Đức Chúa Trời đã kết luận điều gì? “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành” (Sáng thế ký 1:31). Quả thực, Đức Chúa Trời là thần linh trong cõi vô tận.
Là những người tin Chúa, chúng ta cảm nhận được sự an ủi sâu sắc khi biết rằng Chúa, dù vô tận và vĩnh cửu, vẫn đang ở bên chúng ta ngay lúc này; Ngài không phải là Đấng siêu việt không thể tiếp cận, Ngài đang ở đây trong thời điểm này với chúng ta. Và bởi vì Ngài đang ở trong thời điểm này nên Ngài có thể đáp ứng những nhu cầu và lời cầu nguyện của chúng ta.
English
Mối liên hệ của Đức Chúa Trời với thời gian là gì?