Câu hỏi
Tiếng Hy Koine là gì? Tại sao Tân Ước lại được viết bằng ngôn ngữ này?
Trả lời
Koine là một từ Hy Lạp, đơn giản có nghĩa là “thông dụng” hay “phổ thông”. Nhiều người có thể nhận ra từ koine xuất phát từ cụm từ koinonia, có nghĩa là “sự thông công” hay “tình bạn, tình bằng hữu”. Thông công (tình bạn, tình bằng hữu) nghĩa là có điều gì chung với nhau.
Tiếng Hy Lạp Koine/tiếng Hy Lạp Thông Dụng chỉ đơn giản là ngôn ngữ chung của thế giới Địa Trung Hải vào thế kỷ thứ nhất. Khi A-léc-xan-đơ Đại đế chinh phục “thế giới văn minh” trong thời đại mình, ông đã truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp. Giống như tiếng Anh ngày nay, tiếng Hy Lạp trở thành “ngôn ngữ quốc tế” phổ biến nhất thời bấy giờ. Bởi vì hầu hết mọi người, mọi tầng lớp đều có thể hiểu được tiếng Koine nên việc rao giảng phúc âm trên toàn thế giới là điều vô cùng thích hợp.
Tiếng Hy Lạp Koine không chỉ phổ biến theo nghĩa nó được sử dụng rộng rãi trên khắp Đế chế La Mã, mà còn phổ biến theo nghĩa nó không phải là ngôn ngữ của giới tinh hoa trí thức và học thuật. Tiếng Hy Lạp cổ điển được tầng lớp trí thức sử dụng. Tiếng Hy Lạp Koine là ngôn ngữ của người lao động, nông dân, người bán hàng rong và các bà nội trợ—không có gì để khoa trương về nó. Đó là ngôn ngữ bản địa hoặc ngôn ngữ thô tục của thời đó. Các tác phẩm vĩ đại của văn học Hy Lạp đều được viết bằng tiếng Hy Lạp Cổ Điển. Không một học giả nào ngày nay muốn nghiên cứu bất cứ điều gì được viết bằng tiếng Hy Lạp Koine, ngoại trừ thực tế rằng đó là ngôn ngữ của Tân Ước. Đức Chúa Trời muốn Lời của Ngài có thể tiếp cận được với mọi người, và Ngài đã chọn ngôn ngữ phổ biến của thời đó, Koine.
“Người khôn ngoan ở đâu? Các thầy thông giáo ở đâu? Những người biện luận của đời nầy ở đâu? Chẳng phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ sao? Vì Đức Chúa Trời, bởi sự khôn ngoan của Ngài, đã khiến thế gian không thể dùng khôn ngoan riêng của mình để hiểu biết Ngài, nên Ngài vui lòng dùng sự rao giảng bị xem là điên rồ của chúng ta để cứu những người tin. . . . Thưa anh em, hãy suy nghĩ lúc anh em được kêu gọi, trong anh em không có mấy người khôn ngoan theo tiêu chuẩn đời nầy, không mấy ai có quyền thế, cũng chẳng có mấy người thuộc dòng quý tộc. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan; Đức Chúa Trời đã chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ. Đức Chúa Trời đã chọn những gì thấp kém, bị khinh chê ở thế gian, ngay cả những gì không có, để làm cho những gì đã có ra hư không, để không một người nào có thể khoe khoang trước mặt Đức Chúa Trời. Vì nhờ Ngài mà anh em được ở trong Đấng Christ Jêsus, Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết và sự cứu chuộc cho chúng ta; cho nên, như lời đã chép: “Ai tự hào, hãy tự hào trong Chúa” (1 Cô-rinh-tô 1:20–22, 26–31). Phao-lô không ám chỉ cụ thể đến tiếng Hy Lạp Koine trong phân đoạn này, nhưng việc Đức Chúa Trời sử dụng một ngôn ngữ phổ thông thấp kém để bày tỏ những lẽ thật lớn lao của Phúc Âm dường như rất phù hợp với lời dạy này.
English
Tiếng Hy Koine là gì? Tại sao Tân Ước lại được viết bằng ngôn ngữ này?