settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về tính bướng bỉnh / ương ngạnh (ngoan cố)?

Trả lời


Ở một số nền văn hóa, "bướng bỉnh như con la" là một thành ngữ dùng để mô tả những người đặc biệt không lay chuyển được. Thi thiên 32:8-9 ám chỉ bản chất ương ngạnh của con la khi nói: “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi. Chớ như con ngựa và con la, là vật vô tri; phải dùng hàm khớp và dây cương mới cầm chúng nó được, Bằng chẳng, chúng nó không đến gần ngươi.” Khi nói đến việc tuân theo các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, chúng ta không nên bướng bỉnh, ngoan cố hay khó bảo. Chúng ta không được quay đầu đi và “cứng cổ”. Chúng ta phải học cách đầu phục và mềm dẻo trong tay Ngài. Chúng ta không mong muốn Đức Chúa Trời sử dụng hàm khớp và dây cương đối với chúng

Kinh Thánh đôi khi ghi lại những trường hợp về hành vi bướng bỉnh, giống như con la của con người. Trong Cựu Ước, vua Pha-ra-ôn nổi tiếng là người bướng bỉnh (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:13-14), nhưng sự ngoan cố của ông đã gây hại cho chính ông và quốc gia của ông. Sự bướng bỉnh cũng được thể hiện sau đó bởi dâ Y-sơ-ra-ên, dân tộc được Đức Chúa Trời chọn, đã hết lần này đến lần khác chống lại Đức Chúa Trời, quay lưng lại với tình yêu và sự bảo vệ của Ngài. Thật ra, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “ngoan cố” có nghĩa là “quay lưng, cố chấp về mặt đạo đức, nổi loạn và sa ngã”.

Cựu Ước thuật lại lịch sử đáng buồn của người Do Thái, họ đã ngoan cố quay lưng lại với Đức Chúa Trời, quên công việc của Ngài, bất tuân luật pháp của Ngài và đi theo các thần lạ. Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 9, Môi-se thuật lại sự ương ngạnh của dân Y-sơ-ra-ên liên quan đến việc đúc bò con bằng vàng mà họ đã làm tại Núi Si-na-i. Vào thời điểm đó, Đức Chúa Trời đã nói với Môi-se: “Ta nhìn xem dân nầy, kìa là một dân cứng cổ” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:13). Cơn giận của Đức Chúa Trời lớn đến nỗi Ngài đã tính đến việc tiêu diệt toàn bộ dân sự vì tính cách ngoan cố, “cứng cổ” của họ (câu 14).

Đức Chúa Trời coi sự bướng bỉnh là một tội lỗi lớn đến nỗi Ngài đã đưa vào điều luật mà dường như ngày nay nó là một hình phạt quá khắc nghiệt dành cho một đứa con ương ngạnh và nổi loạn. Nếu một đứa con trai không chịu vâng lời cha mẹ, không tuân theo kỷ luật và sống một cuộc sống phóng đãng, thì cha mẹ phải đưa nó đến gặp các trưởng lão trong thành phố của nó, và “Bấy giờ, chúng dân thành ấy sẽ ném đá cho nó chết; như vậy ngươi sẽ cất sự ác khỏi giữa mình, và cả Y-sơ-ra-ên sẽ hay điều đó mà bắt sợ.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:21). Sự bướng bỉnh và hành động kháng cự lại Thượng Đế cũng như thẩm quyền được sắc phong của Ngài là một hành vi phạm tội nghiêm trọng, một hành vi có thể lan truyền như chất độc trong cộng đồng. Luật pháp Môi-se chống lại sự nổi loạn ngoan cố được soạn ra để ngăn chặn sự lan rộng đó.

Trong Tân Ước, chúng ta thấy nhiều ví dụ về sự ương ngạnh hơn. Khi Chúa Giê-su chữa lành một người bị teo tay vào ngày Sa-bát, sự cứng lòng của người Pha-ri-si khiến Chúa Giê-su buồn và giận. Thay vì ngợi khen Chúa về quyền năng chữa lành của Ngài và thừa nhận Đấng Mê-si của họ, tấm lòng phản nghịch của người Pha-ri-si đã khiến họ tìm cách giết Ngài (Mác 3:1-6). Khi Ê-tiên sắp kết thúc bài phát biểu của mình trước Tòa công luận, ông quở trách họ vì sự ương ngạnh điên cuồng của họ: “Hỡi những người cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia! Các ngươi cứ nghịch với Đức Thánh Linh hoài; tổ-phụ các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng thế ấy!” (Công vụ 7:51).

Khi Phao-lô rao giảng cho người Giu-đa ở thành Cô-rinh-tô, họ tiếp tục từ chối sứ điệp cứu rỗi qua Chúa Giê-su Christ. Trong ba tháng, Phao-lô lý luận với họ trong nhà hội, nhưng “vì có mấy người cứng lòng, từ chối không tin, gièm chê đạo Chúa trước mặt dân chúng,” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:9). Kết quả là Phao-lô đã thu nhận các môn đồ và bỏ mặc những người chối bỏ tin mừng trong sự ương ngạnh và vô tín của họ.

Thật không may, đây là số phận đang chờ đợi tất cả những ai kiên trì từ chối Đấng Christ. Cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ phó mặc họ với sự chai đá trong lòng và không còn bào chữa hay biện hộ cho họ nữa. Rô-ma 2:5 cho thấy rõ hậu quả đáng buồn của sự cố chấp ương ngạnh như thế: “Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời”.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về tính bướng bỉnh / ương ngạnh (ngoan cố)?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries