Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về sự trả thù / báo thù?
Trả lời
Kinh Thánh nói rất nhiều về sự báo thù. Cả hai từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp được dịch là “sự trả thù”, “sự báo thù” đều có nghĩa gốc là ý tưởng trừng phạt. Điều này rất quan trọng để hiểu tại sao Đức Chúa Trời dành quyền báo thù cho chính Ngài.
Câu then chốt liên quan đến lẽ thật này được tìm thấy trong Cựu Ước và được trích dẫn hai lần trong Tân Ước. Đức Chúa Trời phán: “Khi chân chúng nó xiêu tó, sự báo thù sẽ thuộc về ta, phần đối trả sẽ qui về ta. Vì ngày bại hoại của chúng nó hầu gần, Và những tai họa buộc phải xảy ra cho chúng nó đến mau.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35; Rô-ma 12:19; Hê-bơ-rơ 10:30). Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký, Đức Chúa Trời đang nói về những người Y-sơ-ra-ên cứng cổ, nổi loạn, thờ hình tượng, những người đã từ chối Ngài và gánh chịu cơn thịnh nộ của Ngài với sự gian ác của họ. Ngài hứa sẽ tự mình báo thù cho họ vào thời điểm và theo những động cơ hoàn hảo và thuần khiết của Ngài. Hai đoạn Tân Ước liên quan đến hành vi của Cơ Đốc nhân, chúng ta không được chiếm đoạt thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Thay vào đó, chúng ta phải để Ngài phán xét đúng đắn và trút sự trừng phạt thiêng liêng của Ngài lên kẻ thù ở thời điểm thích hợp.
Không giống như chúng ta, Đức Chúa Trời không bao giờ báo thù vì những động cơ không trong sạch. Sự báo thù của Ngài nhằm mục đích trừng phạt những ai đã xúc phạm và chối bỏ Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thể cầu nguyện để Chúa báo thù trong sự hoàn hảo và thánh khiết của chính Ngài chống lại kẻ thù của Ngài và báo thù cho những người bị áp bức bởi cái ác. Trong Thi Thiên 94:1, tác giả Thi Thiên cầu xin Đức Chúa Trời báo thù cho người công bình, không phải vì ý thức báo thù không kiểm soát được, mà vì sự trừng phạt công bình từ Đấng Phán xét đời đời, là Đấng có các bản án hoàn hảo. Ngay cả khi người vô tội đau khổ và kẻ ác dường như thịnh vượng, chỉ một mình Đức Chúa Trời có thẩm quyền để trừng phạt. “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ghen và báo thù; Đức Giê-hô-va báo thù, và đầy sự thạnh nộ. Đức Giê-hô-va báo thù kẻ cừu địch mình và cưu giận cho kẻ thù mình” (Na-hum 1:2).
Chỉ có hai lần trong Kinh thánh khi Đức Chúa Trời cho phép loài người nhân danh Ngài báo thù. Đầu tiên, sau khi dân Ma-đi-an thực hiện những hành động bạo lực, gớm ghiếc chống lại dân Y-sơ-ra-ên, chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với dân Ma-đi-an đã đầy, và Ngài ra lệnh cho Môi-se lãnh đạo dân chúng trong một cuộc thánh chiến chống lại họ. “Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy báo thù dân Ma-đi-an cho dân Y-sơ-ra-ên; rồi ngươi sẽ được về cùng tổ phụ.'" (Dân số ký 31:1-2). Ở đây, một lần nữa, Môi-se không tự mình hành động; ông chỉ là một công cụ để thực hiện kế hoạch hoàn hảo của Đức Chúa Trời dưới sự hướng dẫn và chỉ dẫn của Ngài. Thứ hai, Cơ Đốc nhân phải phục tùng những người cai trị mà Đức Chúa Trời đã đặt trên chúng ta vì họ là công cụ của Ngài để "phạt kẻ làm dữ” (1 Phi-e-rơ 2:13-14). Cũng giống như trường hợp của Môi-se, những luật lệ này được thi hành không phải theo ý riêng của họ nhưng để thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời về sự trừng phạt kẻ ác.
Thật là cám dỗ để cố đảm nhận vai trò của Đức Chúa Trời và tìm cách trừng phạt những người mà chúng ta cảm thấy đáng bị trừng phạt. Nhưng bởi vì chúng ta là những sinh vật tội lỗi, chúng ta không thể trả thù với những động cơ trong sáng. Đây là lý do tại sao Luật pháp Môi-se có mệnh lệnh “Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình; nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình: Ta là Đức Giê-hô-va. ” (Lê-vi Ký 19:18). Ngay cả Đa-vít, một “người đẹp lòng Đức Chúa Trời” (1 Sa-mu-ên 13:14), cũng từ chối trả thù Sau-lơ, mặc dù Đa-vít là bên vô tội bị ngược đãi. Đa-vít vâng phục mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là từ bỏ việc báo thù và tin cậy nơi Ngài: “Nguyện Đức Giê-hô-va sẽ đoán xét cha và tôi. Đức Giê-hô-va sẽ báo thù cha cho tôi, nhưng tôi không tra tay vào mình cha." (1 Sa-mu-ên 24:12-13).
Là Cơ đốc nhân, chúng ta phải tuân theo mạng lệnh của Chúa Giê-su là “hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44), hãy để sự báo thù cho Đức Chúa Trời.
English
Kinh Thánh nói gì về sự trả thù / báo thù?