Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về sự xấu hổ và hối hận (hối tiếc)?
Trả lời
Mọi người đều trải qua một số lần xấu hổ và hối tiếc nhất định về những tội lỗi đã phạm trong quá khứ. Kinh Thánh nói nhiều về sự xấu hổ và hối tiếc, và trong Kinh Thánh có rất nhiều ví dụ về những người đã trải qua những cảm xúc tiêu cực này.
Bạn có thể tưởng tượng nỗi xấu hổ và hối tiếc mà A-đam và Ê-va đã sống sau khi phạm tội không? Họ làm hỏng công trình sáng tạo hoàn hảo mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên. A-đam và Ê-va ở trong một thế giới hoàn hảo, có tâm trí và thể chất hoàn hảo, và có mối tương giao hoàn toàn mật thiết với Đức Chúa Trời. Khi họ chọn phạm tội chống lại Đức Chúa Trời, tất cả tạo vật của Chúa đều phải chịu ảnh hưởng bởi tội lỗi, bao gồm bệnh tật, sự thối rữa, sự chết và sự xa cách với Đức Chúa Trời đời đời. Mọi con người sau đó đều được sinh ra với bản chất tội lỗi—bản chất có khuynh hướng phạm tội. Rất may, Đức Chúa Trời có quyền tể trị, và ngay từ lúc đó, Ngài đã có một kế hoạch để cứu chuộc thế giới của Ngài qua Con của Ngài, Chúa Giê-su Christ, và ban cho nhân loại một sự lựa chọn để được cứu rỗi và sống vĩnh cửu với Ngài. Nhưng chắc hẳn A-đam và Ê-va đã sống hết cuộc đời của họ trên đất với nhiều hối tiếc về việc họ đã đánh mất sự trong trắng và những phước lành đi kèm với điều đó. Chúng ta biết họ xấu hổ về sự lõa lồ của mình (Sáng Thế Ký 3:10). Chắc hẳn họ đã sống phần đời còn lại trong hối tiếc—sau tất cả, họ luôn nhớ đến vườn Địa Đàng Ê-đen.
Một ví dụ khác trong Kinh Thánh về sự xấu hổ và hối hận là kinh nghiệm của sứ đồ Phi-e-rơ. Giăng 13:37–38 mô tả đêm Đấng Christ bị phản bội. Ngay sau bữa ăn Lễ Vượt Qua, Phi-e-rơ nói với Chúa Giê-su rằng ông sẽ hy sinh mạng sống vì Chúa của mình. Chúa Giê-su trả lời bằng cách nói với ông rằng ngay trong đêm đó, ông sẽ chối Chúa ba lần. Tối hôm đó, vì sợ mất mạng, Phi-e-rơ đã chối bỏ không hề biết Chúa Giê-su (Giăng 18:15–27; Ma-thi-ơ 26:31–35, 69–75). Sau khi Phi-e-rơ chối Đấng Christ, “rồi đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lu-ca 22:62). Sau đó, Phi-e-rơ được phục hồi và lớn lên trong đức tin, trở thành một trong những người sáng lập Hội thánh đầu tiên. Quả thật, Phi-e-rơ đã “làm cho anh em mình đứng vững” sau khi được tha thứ, đúng như lời Chúa Giê-su đã báo trước (Lu-ca 22:32). Mặc dù chắc hẳn Phi-e-rơ đã sống với nhiều sự xấu hổ và hối tiếc về việc công khai chối bỏ Đấng Christ, nhưng sự hiểu biết sâu sắc của ông về con người và công việc của Đấng Christ đã vượt qua cảm giác thất bại của ông. Ông nhận ra rằng mình đã được tha thứ bởi ân điển của Đức Chúa Trời, và ông đã bỏ qua sự hối tiếc cá nhân của mình để chăn bầy chiên của Chúa Giê-su (Giăng 21:17).
Kinh Thánh dạy chúng ta rằng, khi chúng ta xưng nhận tội lỗi của mình và có đức tin nơi sự hy sinh và phục sinh của Đấng Christ, chúng ta trở thành con cái của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12). Chúng ta được tẩy sạch khỏi mọi điều bất chính của mình (Cô-lô-se 1:15–22), và sự cứu rỗi của chúng ta được bảo đảm vĩnh viễn (Giăng 10:27–30; Hê-bơ-rơ 7:24–25). Khi chúng ta trưởng thành về mặt thuộc linh bằng cách dành thời gian cầu nguyện với Chúa và đọc Lời Ngài mỗi ngày, chúng ta thấy mình yêu mến và tin cậy Ngài nhiều hơn. Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời đã cất bỏ tội lỗi chúng ta xa như phương đông xa cách phương tây bao nhiêu (Thi thiên 103:12). Vâng, chúng ta hối hận về những sai lầm trong quá khứ của mình, nhưng đó không phải là trọng tâm của chúng ta. Chúng ta hướng mắt về Chúa Giê-su, Đấng tạo dựng và hoàn thiện đức tin của chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:2). Phao-lô nói như sau: “Hỡi Anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích (mục tiêu), nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ.” (Phi-líp 3:13–14). Xấu hổ và hối tiếc là một phần của những gì ở phía sau chúng ta. Chúng ta phải học cách quên.
Rô-ma 8:1 là niềm an ủi lớn lao cho bất kỳ tín đồ nào đang đấu tranh với cảm giác xấu hổ và hối tiếc còn sót lại: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Chúng ta là tội nhân, nhưng chúng ta được xưng công chính. Chúng ta có một quá khứ đáng xấu hổ, nhưng chúng ta có một tương lai tốt đẹp hơn. Trước đây chúng ta bước đi trong sự dại dột và nổi loạn, nhưng bây giờ chúng ta bước đi trong đời sống mới (Tít 3:3–7; Rô-ma 6:4). Đức Chúa Trời đã tha thứ cho những tội lỗi mà chúng ta cảm thấy xấu hổ và hối hận. Chúng ta có thể tiếp tục bước tới. “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20).
English
Kinh Thánh nói gì về sự xấu hổ và hối hận (hối tiếc)?