Câu hỏi
Quan điểm Kinh thánh về bạo lực gia đình là gì?
Trả lời
Bạo lực gia đình được định nghĩa hẹp là một hành động hoặc hành vi bạo lực đe doạ một người nào đó mà người gây ra có hoặc đã từng có mối quan hệ mật thiết với người đó. Thuật ngữ bạo lực gia đình thường nhắc đến khái niệm "vợ bị đánh đập" hoặc có lẽ là một cuộc tranh cãi bằng lời nói của vợ chồng đang leo thang tới cuộc tấn công bạo lực. Bạo lực gia đình cũng thường liên quan đến lạm dụng trẻ em. Thậm chí nếu trẻ không bị thương tật về thể chất, nhưng thấy hoặc nghe cha hoặc mẹ bị ngược đãi thì có thể có những tác động tâm lý nghiêm trọng.
Bạo lực gia đình là về quyền lực và sự kiểm soát. Mặc dù thuật ngữ bạo lực ám chỉ về thể chất, nhưng bạo lực gia đình hoặc lạm dụng có thể xảy ra theo những cách phi vật chất. Ví dụ, những người lạm dụng có thể kiểm soát nạn nhân của họ thông qua các phương tiện tình cảm hoặc kinh tế. Lạm dụng bằng lời nói và lạm dụng tình dục là những hình thức khác. Một người ở mọi lứa tuổi, giới tính, tầng lớp kinh tế xã hội, trình độ học vấn hoặc tôn giáo có thể bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình.
Lạm dụng trong gia đình có thể được xem xét theo thuật ngữ của "chu kỳ bạo lực". Tình trạng căng thẳng được dựng nên, nạn nhân cố gắng xoa dịu kẻ lạm dụng nhưng cuối cùng sự việc xảy ra. Kẻ lạm dụng xin lỗi và cố gắng đền bù cho nạn nhân, có lẽ bằng cách hứa hẹn sự việc đó sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa hoặc bằng cách cho nạn nhân nhiều món quà. Tiếp đến là một giai đoạn bình tĩnh trước khi căng thẳng bắt đầu được dựng lại. Các giai đoạn của chu kỳ này có thể chỉ mất vài phút hoặc có thể phát triển trong nhiều năm. Nếu không có sự can thiệp, các giai đoạn "đền bù" và "bình tĩnh" thường biến mất.
Bạo lực gia đình hoàn toàn đi ngược lại kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho gia đình. Sáng thế ký đoạn 1 và 2 miêu tả hôn nhân là một mối quan hệ giúp đỡ, đồng một xác thịt. Ê-phê-sô 5:21 nói về cách vâng phục lẫn nhau. Ê-phê-sô 5:22-24 giải thích sự vâng phục của vợ đối với chồng, trong khi các câu 25-33 nói về tình yêu hy sinh của chồng đối với vợ. I Phi-e-rơ 3:1-7 đưa ra những hướng dẫn tương tự. I Cô-rinh-tô 7:4 nói, "Vợ không có quyền trên thân thể mình, mà là chồng; chồng cũng không có quyền trên thân thể mình, mà là vợ". Hai người thuộc về nhau và được kêu gọi yêu thương nhau như Đấng Christ đã yêu chúng ta. Hôn nhân là một hình ảnh của Đấng Christ và Hội thánh. Bạo lực gia đình khác xa với đặc tính của Chúa Giê-xu.
Bạo lực gia đình liên quan đến trẻ em cũng bị Đức Chúa Trời lên án. Thi Thiên 127:3 nói: "Kìa, con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho. Bông trái của tử cung là phần thưởng". Đức Chúa Trời giao phó con cái cho cha mẹ, và những bậc cha mẹ phải yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ chúng. Ê-phê-sô 6:4 nói, "Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình tức giận, nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa" (xem Cô-lô-se 3:21). Con cái phải vâng phục cha mẹ (Ê-phê-sô 6:1-3), và kỷ luật là rất quan trọng. Nhưng kỷ luật khác biệt rõ ràng với bạo lực và ngược đãi.
Theo Chúa đòi hỏi phải phục vụ người khác chứ không thao túng và kiểm soát họ. Chúa Giê-xu phán với các môn đồ rằng: "Nhưng giữa các con thì không phải vậy; trái lại, ai muốn làm lớn trong các con, thì phải làm đầy tớ, còn ai muốn đứng đầu, thì phải làm nô lệ cho các con. Ngay cả Con Người đã đến, không phải để được người ta phục vụ mình, nhưng để phục vụ người ta và phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Ma-thi-ơ 20:26-28). Mạng lệnh của Ngài đối với chúng ta là "yêu thương lẫn nhau" (Giăng 13:34). Ê-phê-sô 5:1-2 nói, "Vậy, anh em hãy trở nên những người bắt chước Đức Chúa Trời như các con yêu dấu của Ngài. Hãy bước đi trong tình yêu thương như Đấng Christ đã yêu thương chúng ta, xả thân Ngài vì chúng ta như một lễ vật và sinh tế tỏa ngát hương thơm dâng lên Đức Chúa Trời". Cơ Đốc nhân được kêu gọi yêu người khác cách hết mình, đặc biệt là những người trong gia đình của họ.
Những người đang trong tình trạng bạo lực gia đình nên làm mọi thứ có thể để thoát ra an toàn. Thông thường, thời điểm nguy hiểm nhất cho nạn nhân của bạo lực gia đình là khi họ rời đi. Liên lạc với cảnh sát để có thể thu xếp, hoặc có thể có các nguồn giúp đỡ địa phương khác sẵn có để giúp đỡ. Tại Hoa Kỳ, Đường dây nóng về Bạo lực Gia đình Quốc gia có thể giúp về thông tin và các nguồn giúp đỡ. Số điện thoại của họ là 1-800-799-7233. Cũng có thể tìm thấy họ trên trực tuyến theo địa chỉ http://www.thehotline.org/ (CHÚ Ý: việc sử dụng máy vi tính có thể bị theo dõi, vì vậy chỉ truy cập các trang mạng này nếu kẻ lạm dụng không có cách nào theo dõi hoạt động trực tuyến của bạn). Tại Việt Nam, Đường dây nóng về Bạo lực Gia đình là 18001567 hoặc số 113 của đội cảnh sát phản ứng nhanh. Khi bạo lực gia đình đang diễn ra, thì an toàn là bước đầu tiên.
Ngay cả sau khi các nạn nhân an toàn về mặt thể xác và những vết thương cơ thể đã lành, thì những vết sẹo về tâm lý và tình cảm cũng vẫn còn trầm trọng. Bạo lực gia đình cũng có thể có những hệ lụy tâm linh nghiêm trọng. Nạn nhân có thể không tin Đức Chúa Trời. Tại sao Ngài lại cho phép điều đó xảy ra? Ngài có đáng tin không? Ngài có thực sự yêu tôi không? Ngài ở đâu khi tôi bị ngược đãi? Đi qua quá trình chữa lành phải mất thời gian. Các phản ứng cảm xúc đối với hoàn cảnh phải xảy đến. Rất thích hợp để thể hiện sự tức giận đối với sự ngược đãi. Nếu chúng ta không thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình thì sự tức giận, sự hỗn loạn, sự tổn thương, sự xấu hổ, v…v ... chúng ta không thể chữa khỏi nó. Thông thường, nạn nhân sớm vội vã tha thứ. Cuối cùng, sự tha thứ là điều sẽ giúp cho nạn nhân được tự do. Nhưng sự tha thứ chân thành không thể kéo dài được nếu những vết thương của sự ngược đãi không phải là lần đầu tiên được thừa nhận và giải quyết. Những nạn nhân của bạo lực gia đình có thể sẽ cần sự hỗ trợ của một người tâm vấn Cơ Đốc được đào tạo tốt để đồng hành với họ qua quá trình chữa lành.
Chúng ta không nên cho rằng những kẻ ngược đãi không có nhu cầu nào khác ngoài việc dừng ngược đãi. Có thể có nhiều vấn đề chưa được giải quyết khiến họ trở nên ngược đãi. Nếu một kẻ ngược đãi sẵn sàng thừa nhận lời buộc tội và mong muốn sự giúp đỡ, thì có hy vọng. Một lần nữa, sự tư vấn của Cơ Đốc nhân có thể có giá trị lớn.
Mỗi câu chuyện về bạo lực gia đình đều khác nhau. Tình huống và con người quá đa dạng đến nỗi không ai có thể giải quyết vấn đề một cách đầy đủ. Tuy nhiên, nói chung, tư vấn hôn nhân không phải là một giải pháp thích hợp – ít nhất là không cho đến khi tất cả các hành vi ngược đãi dừng lại, cả hai bên đã trải qua tư vấn cá nhân, và cả hai bên mong muốn hòa giải. Điều này cũng đúng đối với liệu pháp gia đình. Trẻ em không bao giờ được đặt vào hoàn cảnh ngược đãi hoặc được dự định sẽ ở lại gia đình trong khi một kẻ bạo hành học cách nuôi dạy cách tin kính.
Bạo lực gia đình làm tổn thương tấm lòng của Đức Chúa Trời. Ngài không thờ ơ với những nạn nhân của nó và cũng không từ bỏ họ. Kế hoạch của Ngài dành cho các mối quan hệ của con người – đặc biệt là những người trong gia đình – là một hình ảnh đẹp về Ngài là ai. Gia đình được dự định để phản ánh tình yêu của Chúa. Nó làm Ngài buồn khi một ngôi nhà trở thành một nơi đau khổ. Ước muốn của Chúa dành cho những người có liên quan đến bạo lực gia đình – cả nạn nhân lẫn người ngược đãi là sự chữa lành và sự trọn vẹn.
English
Quan điểm Kinh thánh về bạo lực gia đình là gì?