settings icon
share icon
Câu hỏi

Dị giáo là gì?

Trả lời


Khi chúng ta nghe hai chữ dị giáo, chúng ta có thể gợi lên hình ảnh của những phòng giam trung cổ và những phiên tòa xét xử dị giáo. Đã có một giai đoạn trong lịch sử Hội thánh chứa đựng những điều này. Nếu chúng ta không phải là những người ái mộ lịch sử hay những nhà nghiên cứu tôn giáo, chúng ta có thể chỉ biết rằng dị giáo là một điều tồi tệ, tuy nhiên điều đó vẫn còn khá mù mờ. Vậy nên, di giáo thực sự là gì, và Kinh Thánh nói gì về dị giáo ?

Theo từ điển của đại học Merriam-Webster, định nghĩa cơ bản của dị giáo chính là "lập trường tôn giáo trái ngược với tín điều của Hội Thánh." Định nghĩa thứ hai là "sự bất đồng quan điểm hay sự sai lệch so với một học thuyết, quan điểm, hoặc thực hành giữ tính chi phối." Đây là một điểm khởi đầu rất tốt cho chúng ta. Những định nghĩa này xác định hai yếu tố chìa khóa: vị trí chi phối và vị trí đối nghịch. Với những gì liên quan đến tôn giáo, thì bất cứ niềm tin hay thực hành nào đi ngược lại với vị trí chính thống của hội thánh đều bị xem là dị giáo.

Dị giáo luôn tồn tại trong mỗi thời kỳ, nhưng trong suốt thế kỷ thứ 12, giáo hội Công giáo đã làm những hành động chưa từng thấy để chống lại dị giáo. Khi năng lực của giáo hội Công giáo gia tăng ở Châu Âu, thì tiếng nói của việc bất đồng ý kiến từ các nhóm Cơ đốc còn lại trở nên rắc rối hơn. Giáo hoàng Alexander III (1162-63) đẩy mạnh công tác mật thám, để cho các Hội thánh có thể khám phá ra bằng chứng của dị giáo. Vào năm 1884, giáo hoàng Lucius III đã ra sắc lệnh rằng một người theo dị giáo bị kết án sẽ bị trả về cho các nhà cầm quyền thế tục thi hành án phạt. Trải qua nhiều thập niên kế tiếp, giáo hội gia tăng tính khốc liệt của những hình phạt đối với dị giáo, cuối cùng biến nó thành một tội tử hình dưới thời giáo hoàng Gregory IX. Trong suốt thời gian này, dòng Đô-mi-ních (the Dominicans) trở thành đại diện chính cho Tòa án dị giáo, là một tòa án đặc biệt được trao thẩm quyền để xét xử mọi ý định cũng như mọi hành động liên quan.

Khi dị giáo bị tình nghi hiện diện trong một ngôi làng, một quan án sẽ được gửi đến để thuyết giảng kêu gọi dân làng trình báo về dị giáo. Đây chính là "tòa án phổ quát" (Tôn giáo Pháp đình) bao gồm thời kỳ ân sủng cho những ai muốn thú tội. Tiếp theo đó là "một tòa án đặc biệt" bao gồm cưỡng chế, nhân chứng giả và tra tấn để đạt được một "lời thú tội". Những người được xác định là dị giáo, sau đó sẽ được lệnh phải sám hối, bao gồm việc bắt buộc phải đi nhà thờ, hành hương đến đền thờ, mất tài sản, hoặc bị cầm tù. Những ai từ chối hối cãi sẽ phải bị buộc xử án tử. Tòa án thế này còn kéo dài cho đến thế kỷ thứ 15 trên hầu khắp Châu Âu.

Hiển nhiên, thước đo cho những giảng dạy về "dị giáo lại tùy vào tính chính thống được thiết lập trong thời kỳ đó. Bất kỳ nhóm hay cá nhân nào có khác biệt với nhóm khác về tính chính thống cũng có thể được gọi là dị giáo. Theo Công vụ 24:14, người Do Thái gọi Cơ đốc nhân là người dị giáo. "Những người dị giáo" thời Trung cổ bị gọi là dị giáo, vì họ bất đồng với giáo hội Công giáo, chứ không phải vì họ đưa ra một học thuyết nào trái với Kinh thánh. Tòa án dị giáo Tây Ban Nha đã hành hình hơn 14,000 người, nhiều người trong số đó đơn thuần chỉ đang sở hữu 1 quyển Kinh thánh. Do đó, nói theo Kinh thánh, thì chính Hội thánh được thành lập trong suốt thời Trung cổ cũng được gọi dị giáo.

Đối chiếu với Kinh thánh Cơ đốc giáo, dị giáo là gì ? II Phi-e-rơ 2:1 nói rằng: "1 Nhưng đã có nhiều kẻ tiên tri giả xuất hiện trong dân chúng,và cũng sẽ có các giáo sư giả trong anh em; họ sẽ bí mật truyền bá các tà giáo nguy hại, lại chối bỏ Chúa là Đấng đã chuộc mình, nhanh chóng chuốc lấy cho mình sự diệt vong." Từ câu này, chúng ta có thể biết được, dị giáo là bất kỳ điều gì chống lại sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu. Trong I Cô-rinh-tô 11:19, Phao-lô cảnh báo Hội thánh về sự xuất hiện của những giáo sư giả giữa vòng họ — những người dị giáo hướng đến việc gây chia rẽ trong thân của Chúa. Những câu Kinh thánh này đụng chạm đến 2 khía cạnh của vấn đề dị giáo trong Hội thánh: từ chối những dạy dỗ đến từ Chúa, và gây chia rẽ trong thân thể của Ngài. Cả hai khía cạnh này đều mang đến những hành động nguy hiểm, gây phá hoại đã bị Kinh thánh khiển trách. Cũng xem thêm I Giăng 4:1-6, I Ti-mô-thê 1:3-6, II Ti-mô-thê 1:13-14, và Giu-đe 1.

Kinh thánh xử lý vấn đề dị giáo như thế nào? Tít 3:10 nói rằng, "Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ" (BTT). Một số bản dịch khác nói rằng, "người hay chia rẽ", "kẻ hay bè phái", và "kẻ kích động sự chia rẽ." Khi một cá nhân trong Hội thánh xa rời sự dạy dỗ của Kinh thánh, thì thái độ đúng đắn đối với người đó chính là: thứ nhất, cố gắng giúp họ sửa sai, nhưng nếu người đó từ chối không muốn nghe 2 lần cảnh báo, thì không còn gì có thể làm cho họ nữa. Điều này đang ám chỉ việc dứt phép thông công. Lẽ thật của Đấng Christ sẽ mang đến sự hiệp nhất cho các tín đồ (Giăng 17:22-23), nhưng dị giáo, bởi chính bản chất của nó, không thể cùng tồn tại với lẽ thật.

Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi sự bất đồng trong Hội thánh đều là dị giáo. Cũng có những ý kiến khác biệt mà không sai, nhưng khi một quan điểm gây chia rẽ hay vẫn duy trì bất chấp sự sai trật với giáo huấn của Kinh thánh, thì đó chính là dị giáo. Chính các sứ đồ cũng có lúc không hoàn toàn đồng ý với nhau (xem Công vụ các sứ đồ 15:36-41), và Phi e-rơ cũng từng bị khiển trách vì gây chia rẽ và hành xử câu nệ luật pháp (Ga-la-ti 2:11-14). Nhưng, ngợi khen Đức Chúa Trời, thông qua thái độ khiệm nhường và sự vâng phục Lời Chúa, các sứ đồ đã cùng hành động vượt khỏi sự bất đồng và trở nên tấm gương cho chúng ta.

Làm thế nào chúng ta bảo vệ chính mình khỏi dị giáo ? Phi-líp 2:2-3 là một điểm tựa: "thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm trí, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình." Khi chúng ta vâng phục thẩm quyền của Lời Chúa và đối đãi với người khác bằng tình yêu thương và lòng kính trọng, thì sự chia rẽ và dị giáo sẽ bị suy yếu.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Dị giáo là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries