Câu hỏi
Ý nghĩa của việc gây cớ cho người khác vấp phạm là gì?
Trả lời
Giữa một loạt các qui tắc luật về việc đối xử với người khác, chúng ta tìm thấy "Chớ nên rủa sả người điếc, chớ để trước mặt người mù vật chi làm cho người vấp té; nhưng hãy kính sợ Đức Chúa Trời ngươi: Ta là Đức GIÊ-HÔ-VA" (Lê-vi-ký 19:14). Rõ ràng, đặt một hòn đá hoặc cục gạch trước mặt một người mù là tàn nhẫn, nhưng Tân Ước lấy câu ngạn ngữ thực tế và biến nó thành một phép ẩn dụ tâm linh.
Sau khi Phi-e-rơ can ngăn Chúa Giê-su, phủ nhận việc đóng đinh sẽ diễn ra, Chúa Giê-su phán, "Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta" (Ma-thi-ơ 16:23). Phi-e-rơ, dưới ảnh hưởng của Satan, đã cố gắng đánh lạc hướng Chúa Giê-su khỏi những gì Ngài sẽ phải thi hành. Ông cố gắng làm cho Chúa Giê-su "vấp ngã" trên con đường của Ngài để chịu đóng đinh. Phao-lô nhắc lại ý tưởng: "… chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại" (1 Cô-rinh-tô 1:23). Ý tưởng cho rằng Đấng Mê-si-a sẽ bị đóng đinh là một cớ gây cho người Do Thái vấp phạm (phạm tội) — Có một điều sai lầm gì đó trong niềm tin của họ về một Đấng Mê-si-a phải như thế nào.
Nhưng hầu hết, việc "gây nên phạm tội" đề cập đến một điều gì đó hoặc một người nào đó ngăn trở người khác ra khỏi mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Trong Ma-thi-ơ 18:5-7, Chúa Giê-su phán, "Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta. Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn. Khốn nạn cho thế gian vì sự gây nên phạm tội! Vì sự gây nên phạm tội phải có; song khốn nạn thay cho ai là kẻ gây nên phạm tội!" Thà cứ chặt một tay thì tốt hơn là phạm tội (Ma-thi-ơ 18:8), theo quan điểm của nước trời, thà bị chết đuối còn hơn là đưa một đứa trẻ sa vào tội lỗi. Tương tự, trong Rô-ma 14:13, Phao-lô chỉ ra rằng chỉ có Đức Chúa Trời có quyền phán xét, chúng ta không được phán xét người khác nhưng hãy cẩn trọng đừng làm dịp cho họ sa ngã.
Những việc gây nên phạm tội cũng phát sinh khi hướng đi (lối sống) có thêm một chút nhập nhằng (mơ hồ). Đời sống Cơ Đốc nhân trưởng thành cho phép một số quyền tự do mà nó dường như trái ngược với một đức tin vâng phục và kỷ luật. Người Cô-rinh-tô quan tâm (e ngại) đến việc ăn đồ cúng thần tượng. Các vấn đề thời đại ngày nay bao gồm cả việc uống rượu trong chừng mực hoặc nhảy múa. "Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm" (Cô-rinh-tô 8:9). Sự tự do của chúng ta không có giá trị với việc người khác được bước đi với Chúa. Nếu một điều gì đó mà Đức Chúa Trời công nhận nó sẽ dẫn đưa người khác sa vào tội lỗi, chúng ta cần tránh nó. Chúng ta được ban cho sự tự do cao quý khi là những Cơ Đốc nhân, nhưng điều cao quý hơn hết đó là sự tự do để nhận biết những người khác được hưởng phước qua chính chúng ta.
Việc cố gắng không gây cớ vấp phạm có nghĩa là không đưa dẫn người khác sa vào tội lỗi. Chúng ta thực hiện điều này như thế nào phụ thuộc vào tình huống và tấm lòng của những người xung quanh chúng ta. Sự an ninh mà chúng ta có trong tình yêu thương và sự chu cấp của Đức Chúa Trời, cho cả hiện tại và mãi mãi, cho phép chúng ta thể hiện sự quan tâm đến những người yếu đuối hơn — những người cần sự nâng đỡ khích lệ đặc biệt để nhận biết Đức Chúa Trời là ai. Trong một số trường hợp, nó có nghĩa là sống trong những quyền tự do đó để minh chứng điển hình rằng Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời ân sủng. Mặt khác, điều đó có nghĩa là kỷ luật với chính bản thân chúng ta để xây dựng những tín đồ yếu hơn và không đẩy họ vào một sự tự do mà họ không sẵn sàng. Nhưng, luôn luôn, điều đó có nghĩa là không khuyến khích người khác hành động theo cách mà Kinh Thánh xác định rõ ràng như là tội lỗi.
English
Ý nghĩa của việc gây cớ cho người khác vấp phạm là gì?