Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về việc giải quyết xung đột?
Trả lời
Việc giải quyết xung đột trong thân thể Đấng Christ là điều rất quan trọng vì nhiều lý do. Né tránh xung đột mà không nỗ lực giải quyết nó sẽ trì hoãn một phản ứng thích hợp và làm trầm trọng thêm vấn đề vì những xung đột để lâu không được giải quyết sẽ luôn gia tăng và có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ trong thân thể Đấng Christ. Mục tiêu của việc giải quyết xung đột là sự hiệp nhất, và sự hiệp nhất trong hội thánh là mối đe dọa đối với ma quỷ, kẻ sẽ tận dụng mọi cơ hội để lợi dụng những vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự tức giận, cay đắng, tủi thân và đố kỵ. Những cảm xúc này có liên quan đến hầu hết các cuộc xung đột trong hội thánh. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chúng ta phải “bỏ khỏi [chúng ta] mọi sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác” (Ê-phê-sô 4:31). Việc không tuân theo điều răn này dẫn đến sự chia rẽ trong thân thể Đấng Christ và làm buồn lòng Đức Thánh Linh. Chúng ta cũng được dặn là đừng để “rễ đắng” châm ra giữa chúng ta gây điều phiền muộn và làm ô uế (Hê-bơ-rơ 12:15). Rõ ràng, một phương pháp giải quyết xung đột dựa trên Kinh Thánh là điều cần thiết.
Tân Ước có nhiều mệnh lệnh cho các tín đồ thể hiện việc sống hòa thuận với nhau. Chúng ta được nhắc đi nhắc lại là phải yêu thương nhau (Giăng 13:34; Rô-ma 12:10), sống hòa thuận và hòa hợp với nhau (Rô-ma 15:5; Hê-bơ-rơ 12:14), giải quyết những bất đồng giữa chúng ta (2 Cô-rinh-tô 13:11), kiên nhẫn, nhân từ và mềm mại với nhau (1 Cô-rinh-tô 13:4), xem người khác như tôn trọng hơn mình (Phi-líp 2:3), mang gánh nặng cho nhau (Ê-phê-sô 4:2), và vui mừng trong lẽ thật (1 Cô-rinh-tô 13:6). Xung đột là sự đối lập của hành vi Cơ Đốc giáo như đã được nói đến trong Kinh Thánh.
Có những lúc, bất chấp mọi nỗ lực hòa giải, nhiều vấn đề ngăn trở chúng ta giải quyết xung đột trong hội thánh. Có hai chỗ trong Tân Ước đề cập rõ ràng và không mơ hồ đến việc giải quyết xung đột liên quan đến tội lỗi. Trong Ma-thi-ơ 18:15-17, Chúa Giê-su đưa ra các bước để xử lý một người anh em phạm tội. Theo phân đoạn này, trong trường hợp xung đột liên quan đến tội lỗi rõ ràng, trước tiên chúng ta phải giải quyết vấn đề đó trực tiếp, sau đó nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết thì nên trình ra nhóm nhỏ, và cuối cùng là trước toàn thể hội thánh nếu vấn đề vẫn còn.
Một phân đoạn khác mà điều này được giải quyết dứt khoát là Lu-ca 17. Trong các câu 3-4, Chúa Giê-su phán: “Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ. Dầu trong một ngày, họ phạm tội cùng ngươi bảy lần và bảy lần trở lại cùng ngươi mà nói rằng: Tôi ăn năn, thì hãy tha tội cho họ." Một phần thiết yếu trong việc giải quyết xung đột là sự tha thứ. Bất kỳ tiến trình kỷ luật nào cũng phải luôn lấy sự phục hồi của người phạm tội làm mục tiêu cuối cùng.
Đôi khi xung đột liên quan đến sở thích phong cách hoặc xung đột về tính cách nhiều hơn là liên quan đến tội lỗi. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta nên kiểm tra động cơ của chính mình và nhớ “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3–4). Nếu chúng ta thật sự bất đồng với ai đó về phong cách ưa thích—cách tốt nhất để hoàn thành một mục tiêu mục vụ nào đó, ngân sách của hội thánh hay cách một buổi lễ của hội thánh nên diễn ra như thế nào, v.v.—chúng ta nên tham gia vào cuộc thảo luận và đi đến một thỏa thuận chung. Trong Phi-líp 4:2–3, Phao-lô cầu xin Ê-yô-đi và Sin-ty-cơ “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” và những người khác giúp đỡ họ. Chúng ta phải hạ mình để thật sự lắng nghe nhau, phấn đấu cho sự bình an trong thân thể (Rô-ma 12:16, 18). Chúng ta cũng nên tìm kiếm sự khôn ngoan và hướng dẫn của Đức Chúa Trời (Gia-cơ 1:5). Đúng là đôi khi tốt nhất là chia tay khi nhận ra rằng Đức Chúa Trời có những sự kêu gọi khác nhau trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng chúng ta nên cố gắng hết sức để không bao giờ chia rẽ trong cơn giận dữ.
Lý do khiến việc giải quyết xung đột trở nên khó khăn như vậy là do chúng ta ngần ngại đặt mình vào những tình huống không thoải mái. Chúng ta cũng thường không sẵn sàng hạ mình đủ để thừa nhận rằng chúng ta có thể sai hoặc làm những gì cần thiết để sửa đổi nếu chúng ta sai. Những người giải quyết xung đột tốt nhất thường là những người không muốn đối đầu với người khác về tội lỗi của họ, nhưng vẫn làm như vậy vì vâng lời Chúa. Nếu vấn đề tương đối nhỏ, có lẽ điều tốt nhất nên làm là tập nhường nhịn và bỏ qua lỗi lầm cho nhau (Châm ngôn 19:11). Nếu không thể bỏ qua thì phải theo đuổi hòa giải. Đây là một vấn đề quan trọng đối với Đức Chúa Trời đến nỗi sự bình an với Ngài và sự bình an với người khác gắn bó chặt chẽ với nhau (Ma-thi-ơ 5:23–24).
English
Kinh Thánh nói gì về việc giải quyết xung đột?