Câu hỏi
Trở nên một thịt trong hôn nhân nghĩa là gì?
Trả lời
Cụm từ “một thịt” xuất hiện trong Sáng Thế Kí khi tác giả kể lại câu chuyện Chúa sáng tạo Ê-va. Sáng Thế Kí 2:21-24 miêu tả quá trình Chúa lấy một xương sườn của A-đam khi ông đang ngủ để tạo nên Ê-va. A-đam nhận ra Ê-va chính là một phần của mình – cả hai đã là “một thịt.” Như một thân không thể còn nguyên vẹn nếu chia tách ra, Chúa cũng muốn hôn nhân của loài người như vậy. Giờ đây chồng và vợ không còn là hai cá nhân riêng lẻ nữa mà là một thịt (một cặp vợ chồng). Chúng ta hãy cùng xem xét các khía cạnh của sự hiệp một này.
Xét về phương diện tình cảm, mối quan hệ vợ chồng giờ đây nằm ở vị trí quan trọng hơn các mối quan hệ từ trước đến nay cũng như trong tương lai (Sáng 2:24). Có một số người đặt nặng tình cảm với cha mẹ hơn dù đã kết hôn. Đây là điều nguy hại trong hôn nhân và đi chệch ý định ban đầu của Chúa: “rời cha mẹ, gắn bó với người phối ngẫu.” Hôn nhân cũng gặp vấn đề tương tự nếu vợ hoặc chồng tìm kiếm tình cảm nơi con cái hơn là với người phối ngẫu.
Vợ và chồng phải nên một trong tình cảm, tâm linh, lí trí, tài chính và mọi lĩnh vực khác. Như một bộ phận trong thân thể chăm sóc cho bộ phận khác (dạ dày tiêu hóa thức ăn cho cơ thể, não bộ điều khiển toàn bộ cơ thể, tay hành động cũng cho thân thể, v.v.), vợ chồng cũng phải quan tâm đến nhau. Mỗi người không nên cho rằng tiền này là “của mình” hay “của người kia” mà coi tất cả là “tiền của chúng ta.” Ê-phê-sô 5:22-23 và Châm Ngôn 31:10-31 đưa ra những ví dụ thực tế về sự “một thịt” này để chồng và vợ áp dụng.
Vợ chồng cũng nên một thịt về mặt thể xác và tạo ra kết quả là con cái mang gen đặc trưng kết hợp của bố và mẹ. Kể cả về mặt tình dục, mỗi người cũng không nên coi thân thể mình là của riêng nhưng là thuộc về người phối ngẫu (1 Cô-rinh-tô 7:3-5). Cũng không nên chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn cho riêng mình nhưng phải vì người phối ngẫu trước hết.
Sự hiệp một và khao khát làm lợi ích cho người phối ngẫu không tự nhiên mà có, đặc biệt từ khi nhân loại vấp ngã. Sáng Thế Kí 2:24 có chép người nam phải “dính díu” lấy vợ mình. Từ này có hai ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “dính như keo” với vợ mình, một hình ảnh miêu tả sự gần gũi của hôn nhân. Nghĩa thứ hai là “cố gắng theo đuổi” vợ mình. Sự “theo đuổi” này không chỉ tồn tại trong quá trình hẹn hò mà còn tiếp tục kéo dài trong suốt hôn nhân. Xác thịt thì thường muốn “làm điều gì tốt cho tôi” thay vì tốt cho người phối ngẫu. Và thông thường chỉ sau khi kết thúc tuần trăng mật, hôn nhân sẽ rơi vào tình trạng này. Thay vì mỗi người đòi hỏi người kia phải đáp ứng những nhu cầu của mình thì vợ chồng nên tập trung tìm cách đáp ứng nhu cầu của người kia.
Tuy hai người chung sống hòa thuận và đáp ứng nhu cầu của nhau đã là điều tốt, Chúa còn muốn điều tốt hơn nữa cho hôn nhân của chúng ta. Dù trước hôn nhân mỗi người đều phục vụ Chúa bằng đời sống mình (Rô-ma 12:1-2), giờ họ phải tiếp tục phục vụ Chúa cùng nhau và nuôi dạy con cái để chúng cũng phục vụ Chúa (1 Cô-rinh-tô 7:29-34; Ma-la-chi 2:15; Ê-phê-sô 6:4). Pê-rít-sin và A-qui-la trong Công Vụ 18 là những tấm gương sáng trong vấn đề này. Là một cặp đôi cùng hầu việc Chúa với nhau, niềm vui trong Đức Thánh Linh sẽ đổ đầy trên hôn nhân của họ (Ga-la-ti 5:22-23). Trong vườn Ê-đen xưa kia có ba đối tượng (A-đam, Ê-va và Đức Chúa Trời) và do đó niềm vui tràn đầy. Cũng như vậy, nếu Chúa là trung tâm của hôn nhân ngày nay, chúng ta cũng sẽ có niềm vui. Ngoài Chúa ra chồng và vợ không thể nào hiệp nên một thịt.
English
Trở nên một thịt trong hôn nhân nghĩa là gì?