settings icon
share icon

Sách I Sa-mu-ên

Tác giả: Tác giả ẩn danh. Chúng ta biết Sa-mu-ên viết một quyển sách (I Sa-mu-ên 10:25), và cũng rất có thể ông đã viết một phần quyển sách này. Một số người khác có thể góp phần trong việc viết sách I Sa-mu-ên là tiên tri/nhà sử học Na-than và Gát (I Sử ký 29:29).

Thời gian viết: Lúc đầu, sách I và II Sa-mu-ên là một quyển. Nhưng nhóm biên dịch Kinh thánh Cựu Ước tiếng Hy Lạp đã tách chúng ra, nên kể từ đó chúng ta vẫn giữ bản tách ra đó. Những sự kiện trong I Sa-mu-ên kéo dài xấp xỉ khoảng 100 năm, từ năm 1100 trước Công Nguyên đến năm 1000 trước Công Nguyên. Những sự kiện trong II Sa-mu-ên trải dài thêm 40 năm. Vậy thì, thời gian viết sẽ là khoảng sau năm 960 trước Công Nguyên.

Mục đích viết: I Sa-mu-ên ghi chép lại lịch sử của Y-sơ-ra-ên trong vùng đất Ca-na-an khi họ chuyển từ sự cai trị của các quan xét đến khi trở thành một quốc gia thống nhất dưới sự cai trị của các vị vua. Sa-mu-ên nổi tiếng là vị quan xét cuối cùng, ông xức dầu cho hai vị vua đầu tiên là Sau-lơ và Đa-vít.

Những câu Kinh thánh then chốt:

I Sa-mu-ên 8:6-7, “Các lời chúng nói rằng: ‘Hãy ban cho chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, chẳng đẹp ý Sa-mu-ên; Sa-mu-ên bèn cầu khẩn Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: ‘Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi; ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó,hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa.’”

I Sa-mu-ên 13:13-14, “Sa-mu-ên nói cùng Sau-lơ rằng: ‘Ngươi thật có làm ngu dại, không vâng theo mạng lịnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã truyền cho. Ví bằng có vâng theo, thì Đức Giê-hô-va ắt đã lập nước ngươi vững đời đời nơi Y-sơ-ra-ên, nhưng bây giờ, nước ngươi sẽ không bền lâu. Đức Giê-hô-va đã chọn lấy cho mình một người theo lòng Ngài, đặt người ấy làm trưởng của dân sự Ngài, bởi vì ngươi không giữ theo mạng lịnh của Đức Giê-hô-va.’”

I Sa-mu-ên 15:22-23, “Sa-mu-ên nói: ‘Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực; sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng. Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.’”

Tóm tắt ngắn gọn: Sách I Sa-mu-ên có thể được chia gọn thành hai phần: cuộc đời của Sa-mu-ên (chương 1-12) và cuộc đời của Sau-lơ (chương 13-31).

Sách bắt đầu với sự ra đời kỳ lạ của Sa-mu-ên khi Chúa nhậm lời cầu nguyện thành tâm của mẹ ông. Khi còn là một đứa trẻ, Sa-mu-ên sống và hầu việc ở đền thờ. Đức Chúa Trời lựa chọn ông để làm một nhà tiên tri (3:19-21), và lời tiên tri đầu tiên của một đứa trẻ là sự đoán xét dành cho những thầy tế lễ băng hoại.

Dân Y-sơ-ra-ên chiến tranh với những kẻ thù lâu năm của họ, là dân Phi-li-tin. Dân Phi-li-tin chiếm được hòm giao ước và tạm thời chiếm hữu nó, nhưng khi bị Chúa trừng phạt thì dân Phi-li-tin đã trả hòm giao ước lại. Sa-mu-ên kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên ăn năn (7:3-6), sau đó thì họ chiến thắng dân Phi-li-tin..

Dân Y-sơ-ra-ên muốn có một vị vua giống như những quốc gia khác. Sa-mu-ên không vui lòng vì những yêu cầu của họ, nhưng Chúa nói với ông rằng không phải họ đang từ chối sự lãnh đạo của ông mà họ đang từ chối chính Ngài. Sau khi cảnh báo dân sự về việc muốn có một vị vua nghĩa là gì, thì Sa-mu-ên xức dầu cho một người thuộc chi phái Bê-gia-min tên là Sau-lơ, là người được tôn lên làm vua tại Mích-ba (10:17-25).

Sau-lơ vui hưởng sự thành công lúc đầu, đánh bại dân A-mô-rít trong trận chiến (chương 11). Nhưng sau đó, ông đã phạm phải một loạt hành động sai lầm: ông quá tự tin dâng của tế lễ (chương 13), ông đã lập một lời thề ngu ngốc không có lợi cho con trai ông Giô-na-than (chương 14), và ông đã không vâng theo mạng lệnh trực tiếp của Chúa (chương 15). Và kết quả của sự nổi loạn của Sau-lơ là Đức Chúa Trời đã chọn một người khác thay thế vị trí của Sau-lơ. Trong lúc đó, Đức Chúa Trời cũng rút hết mọi phước lành của Ngài khỏi Sau-lơ, và khiến một ác thần khuấy rối người (16:14).

Sa-mu-ên đi đến Bết-lê-hem để xức dầu cho một chàng trai trẻ tên là Đa-vít để làm vị vua tiếp theo (chương 16). Sau đó, Đa-vít đã trở nên nổi tiếng khi đương đầu với Ghô-li-át người Phi-li-tin và trở thành vị anh hùng dân tộc (chương 17). Đa-vít hầu việc trong cung điện của Sau-lơ, kết hôn với con gái của Sau-lơ, và kết thân với con trai của Sau-lơ. Sau-lơ bắt đầu ganh tị với sự thành công và nổi tiếng của Đa-vít nên mưu toan giết Đa-vít. Đa-vít chạy trốn và vì vậy mà bắt đầu thời kỳ phiêu lưu bất thường, mưu đồ và lãng mạn. Với sự giúp đỡ siêu nhiên, Đa-vít dù suýt bị bắt nhưng vẫn trốn tránh được tên khát máu Sau-lơ (chương 19-26). Trải qua mọi việc, nhưng Đa-vít vẫn duy trì được tình bạn trọn vẹn với Giô-na-than.

Gần cuối sách, Sa-mu-ên qua đời, và Sau-lơ trở thành một người lạc đường. Trong thời gian trước trận chiến với dân Phi-li-tin, Sau-lơ cầu vấn Đức Chúa Trời nhưng Ngài không đáp lời. Ông không nhận được sự giúp đỡ từ thiên đàng, nên tìm kiếm sự tư vấn từ một bà bóng. Trong suốt lễ cầu hồn, linh hồn của Sa-mu-ên sống lại từ cõi chết đưa lời tiên tri cuối cùng: Sau-lơ sẽ chết trong trận chiến ngày mai. Lời tiên tri đã ứng nghiệm, ba con trai của Sau-lơ, bao gồm cả Giô-na-than đã chết trong trận chiến và Sau-lơ tự tử.

Những điềm báo: Lời cầu nguyện của bà An-ne trong I Sa-mu-ên 2:1-10 bày tỏ nhiều lời tiên tri liên quan đến Đấng Christ. Bà ca tụng Đức Chúa Trời là Hòn đá của bà (câu 2), và chúng ta biết từ các ghi chép trong sách Phúc âm rằng Chúa Giê-xu là Hòn đá mà chúng ta sẽ xây dựng ngôi nhà thuộc linh của chúng ta. Phao-lô ám chỉ Chúa Giê-xu là “hòn đá ngăn trở” đối với dân Do Thái (Rô-ma 9:33). Đấng Christ được gọi là “hòn đá thiêng liêng” cung cấp thứ uống thiêng liêng cho dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng giống như Ngài chu cấp “nước hằng sống” cho linh hồn chúng ta (I Cô-rinh-tô 10:4; Giăng 4:10). Lời cầu nguyện của bà An-ne cũng bày tỏ sự ám chỉ rằng Chúa sẽ đoán xét sự cuối cùng của trái đất (2:10), trong khi đó Ma-thi-ơ 25:31-32 ám chỉ rằng Chúa Giê-xu là Con Người sẽ đến trong sự vinh hiển để đoán xét muôn dân.

Áp dụng thực tiễn: Câu chuyện bi kịch của Sau-lơ là một bài học về sự lãng phí cơ hội. Là một người có tất cả mọi thứ: danh tiếng, thẩm quyền, giàu có, ngoại hình tốt, và nhiều nữa. Nhưng ông lại chết trong nỗi tuyệt vọng, kinh khiếp vì kẻ thù của ông và nhận ra rằng ông đã thất bại trước quốc gia, gia đình và Đức Chúa Trời của ông.

Sau-lơ phạm phải sai lầm khi nghĩ rằng ông có thể làm vui lòng Đức Chúa Trời thông qua sự bất tuân. Giống như nhiều người ngày nay, ông nghĩ rằng một động cơ tốt sẽ bù đắp cho cách cư xử tệ. Có lẽ, năng lực của ông làm cho ông bắt đầu nghĩ ông ở trên luật lệ. Không hiểu sao ông lại cho rằng mạng lệnh của Chúa là một ý kiến nông cạn nhưng lại xem ý kiến của mình là cao siêu. Ngay cả khi đối diện với hành vi sai trái của mình, ông cũng cố gắng minh oan cho mình, và chính lúc đó Chúa đã từ bỏ ông (15:16-28).

Vấn đề của Phao-lô cũng là vấn đề mà tất cả chúng ta đối diện – một vấn đề của tấm lòng. Vâng phục ý muốn của Chúa là cần thiết cho sự thành công, và nếu chúng ta kiêu ngạo chống lại Ngài thì chúng ta tự đặt mình vào sự thất bại.

Trái lại, lúc đầu Đa-vít không có một vẻ bề ngoài ấn tượng. Ngay cả Sa-mu-ên cũng bị thu hút để nhìn ông (16:6-7). Nhưng Chúa nhìn thấy trong lòng và đã nhìn thấy Đa-vít là người theo lòng Ngài (13:14). Sự khiêm nhường và chính trực của Đa-vít, cộng với sự dũng cảm của ông vì Chúa và sự cầu nguyện tận tâm của ông là một tấm gương tốt dành cho tất cả chúng ta.
English



Trở lại trang chủ Khảo sát Cựu Ước



Sách I Sa-mu-ên
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries