settings icon
share icon

Sách Châm ngôn

Tác giả: Vua Sa-lô-môn là tác giả chính của sách Châm ngôn. Tên của ông xuất hiện trong 1:1, 10:1, và 25:1. Chúng ta cũng có thể cho là Sa-lô-môn đã sưu tầm và biên tập những câu tục ngữ khác, ngoài của chính ông, vì Truyền đạo 12:9 nói rằng, “Vả lại, bởi vì kẻ truyền đạo là người khôn ngoan, nên cũng cứ dạy sự tri thức cho dân sự; người đã cân nhắc, tra soát, và sắp đặt thứ tự nhiều câu châm ngôn.” Thật vậy, tựa đề sách Châm ngôn theo tiếng Hê-bơ-rơ là Mishle Shelomoh được dịch là “Châm ngôn của Sa-lô-môn.”

Thời gian viết: Châm ngôn của Sa-lô-môn được viết khoảng năm 900 trước Công Nguyên. Trong suốt thời ông trị vì, quốc gia Y-sơ-ra-ên đã đạt đến đỉnh cao của nó về mặt thuộc linh, chính trị, văn hóa và kinh tế. Danh tiếng của Y-sơ-ra-ên lên đến đỉnh cao, thì danh tiếng của Vua Sa-lô-môn cũng vậy. Những người quyền cao chức trọng từ các nước phương xa cũng không ngại đường xá xa xôi để đến nghe vị vua khôn ngoan nói (I Các vua 4:34).

Mục đích viết: Kiến thức thì không có gì hơn là một sự tích lũy những thông tin thô, nhưng sự khôn ngoan là khả năng nhìn nhận con người, sự kiện và hoàn cảnh như Chúa nhìn nhận. Trong sách Châm ngôn, Sa-lô-môn bộc lộ tâm trí của Chúa trong những vấn đề tối cao quan trọng, cũng như trong những tình huống bình thường của đời sống hằng ngày. Nó cho thấy rằng không có chủ đề nào mà Sa-lô-môn không biết. Những vấn đề liên quan đến hành vi cá nhân, quan hệ tính dục, kinh doanh, sự giàu có, từ thiện, tham vọng, kỷ luật, nợ nần, cách nuôi dạy con cái, tính cách, rượu, chính trị, sự báo thù, và sự tin kính là những vấn đề nằm trong số nhiều chủ đề được bao gồm trong tuyển tập phong phú những lời nói khôn ngoan này.

Những câu Kinh thánh then chốt:

Châm ngôn 1:5, “Kẻ khôn sẽ nghe và thêm lên sự học vấn. Người thông sáng sẽ được rộng mưu trí.”

Châm ngôn 1:7, “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức. Còn kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy.”

Châm ngôn 4:5, “Khá cầu lấy sự khôn ngoan, khá cầu lấy sự thông sáng. Chớ quên, chớ xây bỏ các lời của miệng ta.”

Châm ngôn 8:13-14, “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là ghét điều ác. Ta ghét sự kiêu ngạo, xấc xược, con đường ác, và miệng gian tà. Mưu luận và sự thông thạo đều thuộc về ta. Ta là sự thông sáng; năng lực vốn thuộc về ta.”

Tóm tắt ngắn gọn: Tóm tắt sách Châm ngôn thì hơi khó vì nó không giống những sách khác trong Kinh thánh, nó không có sườn hay cốt truyện cụ thể, cũng không có nhân vật chính. Nó là sự khôn ngoan nằm trọng tâm – một sự khôn ngoan thiêng liêng xuất chúng vượt quá toàn bộ lịch sử, con người và văn hóa. Ngay cả khi đọc qua loa kho báu vĩ đại này thì cũng thấy được rằng những câu tục ngữ súc tích của vị Vua khôn ngoan Sa-lô-môn là có liên quan đến ngày nay dù chúng đã có cách đây khoảng ba ngàn năm.

Những điềm báo: Chủ đề khôn ngoan và sự cần thiết của nó trong cuộc sống của chúng ta cho thấy sự ứng nghiệm trong Đấng Christ. Trong sách Châm ngôn, chúng ta luôn được khích lệ tìm kiếm sự khôn ngoan, có được sự khôn ngoan và hiểu sự khôn ngoan. Sách Châm ngôn cũng nói với chúng ta nhiều lần rằng kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan (1:7; 9:10). Sự kính sợ của chúng ta đối với cơn phẫn nộ và sự công bình của Chúa là điều khiến chúng ta đến với Đấng Christ, là hiện thân của sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại xuất sắc của Ngài. Trong Đấng Christ, “mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng” (Cô-lô-se 2:3), chúng ta tìm thấy được câu trả lời cho việc tìm kiếm sự khôn ngoan, phương thuốc cho sự kính sợ Chúa, và “sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc” mà chúng ta thực sự rất cần (I Cô-rinh-tô 1:30). Sự khôn ngoan chỉ được tìm thấy trong Đấng Christ thì hoàn toàn trái ngược với sự ngu ngốc của thế gian, là điều khích lệ chúng ta khôn ngoan theo con mắt của chính mình. Nhưng sách Châm ngôn cũng nói với chúng ta rằng đường lối của thế gian không phải là đường lối của Chúa (Châm ngôn 3:7) và nó chỉ dẫn đến sự chết (Châm ngôn 14:12; 16:25).

Áp dụng thực tiễn: Có một thực tiễn không thể chối cãi được trong sách này vì những câu trả lời có cơ sở và có hiểu biết cho mọi cách cư xử khó khăn phức tạp đều được tìm thấy trong vòng 31 chương của sách. Chắc chắn, sách Châm ngôn là một quyển sách “hướng dẫn” tuyệt vời nhất từng được viết và những ai có lương tri rút ra được từ những bài học của Sa-lô-môn trong tấm lòng sẽ nhanh chóng khám phá sự tin kính, sự giàu có và sự thỏa lòng cho sự cầu xin của họ.

Lời hứa được lập đi lập lại nhiều lần trong sách Châm ngôn cho những ai chọn sự khôn ngoan và theo Chúa thì sẽ được phước trong mọi đàng: sống thọ (9:11); giàu có (2:20-22); vui mừng (3:13-18); và sự hiền lành của Chúa (12:21). Mặc khác, những ai chối bỏ Ngài phải chịu sự xấu hổ và sự chết (3:35; 10:21). Chối bỏ Chúa là lựa chọn sự điên rồ hơn là sự khôn ngoan và khiến cho chính mình xa cách Chúa, Lời Ngài, sự khôn ngoan của Ngài và ơn phước của Ngài.
English



Trở lại trang chủ Khảo sát Cựu Ước



Sách Châm ngôn
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries