Tác giả: Môi-se là tác giả của sách Dân Số Ký.
Thời gian viết: Sách Dân Số Ký được viết vào khoảng 1440 đến 1400 TCN.
Mục đích viết: Thông điệp của Dân Số Ký dành cho toàn nhân loại ở mọi thời đại. Sách Dân Số Ký bàn về sự hầu việc Chúa và con đường bước đi với Ngài của dân sự, nhắc nhở người tin Chúa về chiến trận thuộc linh mà họ đang phải đối mặt. Sách Dân Số Ký là cầu nối giữa giai đoạn dân Y-sơ-ra-ên nhận Luật pháp (Xuất Ai Cập ký và Lê-vi Ký) và giai đoạn chuẩn bị vào Đất Hứa (Phục Truyền Luật Lệ Ký và Giô-suê).
Những câu Kinh thánh then chốt:
Dân Số Ký 6:24-26, "Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái thương ngươi và ban bình an cho ngươi!"
Dân Số Ký 12:6-8, "Khi có một nhà tiên tri ở giữa các con thì Ta là Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra với người ấy trong khải tượng và phán với người ấy trong giấc chiêm bao. Nhưng với đầy tớ Ta là Môi-se thì không giống như vậy. Người thật trung tín trong cả nhà Ta. Ta nói chuyện với người miệng đối miệng một cách rõ ràng, không lời bí ẩn. Và người thấy hình dạng Đức Giê-hô-va. Vậy tại sao các con không sợ mà nói hành đầy tớ Ta là Môi-se?”
Dân Số Ký 14:30-34, "[Tất cả những người đã được kiểm tra từ hai mươi tuổi trở lên, là những kẻ đã cằn nhằn với Ta,] sẽ không được vào xứ mà Ta đã thề ban cho các con, ngoại trừ Ca-lép con trai của Giê-phu-nê và Giô-suê, con trai của Nun. Nhưng Ta sẽ đem vào xứ đó những đứa con nhỏ đó mà các con nói rằng chúng sẽ bị giặc bắt đem đi, và chúng sẽ vui hưởng xứ mà các con đã khinh bỏ. Còn các con sẽ phải bỏ thây trong hoang mạc nầy. Con cái các con sẽ chăn chiên nơi hoang mạc trong bốn mươi năm và sẽ mang hình phạt về tội bất trung của các con cho đến chừng người cuối cùng của các con ngã chết trong hoang mạc. Các ngươi đi do thám xứ bao nhiêu ngày, tức là bốn mươi ngày, thì các con cũng sẽ mang hình phạt vì tội lỗi mình bấy nhiêu năm, nghĩa là bốn mươi năm, mỗi ngày phải đền một năm. Bấy giờ các con sẽ hiểu sự trừng phạt của Ta như thế nào.'"
Tóm tắt ngắn gọn: Hầu hết các sự kiện trong sách Dân Số Ký đều diễn ra tại nơi hoang mạc, chủ yếu từ năm thứ hai đến năm bốn mươi trong hành trình của dân Y-sơ-ra-ên. 25 chương đầu của sách miêu tả những trải nghiệm của thế hệ Y-sơ-ra-ên đầu tiên trong đồng vắng, phần còn lại miêu tả trải nghiệm của thế hệ thứ hai. Chủ đề xuyên suốt của sách, cũng như của Cựu Ước là sự vâng phục và nổi loạn, sau đó là ăn năn và được Chúa ban phước.
Chủ đề về sự thánh khiết của Chúa được tiếp tục từ Lê-vi Ký cho đến Dân Số Ký. Hai sách cho thấy sự chỉ dẫn và chuẩn bị của Chúa để dân sự Ngài bước vào Đất Hứa Ca-na-an. Sách Dân Số Ký được nhắc đến nhiều lần trong Tân Ước, điều này cho thấy tầm quan trọng của sách. Đức Thánh Linh dành sự chú ý đặc biệt đến Dân Số Ký qua 1 Cô-rinh-tô 10:1-12. Những lời “tất cả những điều nầy đã xảy ra như một lời cảnh cáo cho chúng ta” nhắc đến tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên và sự buồn lòng của Chúa.
Trong Rô-ma 11:22, Phao-lô nói về "sự nhân từ và sự nghiêm khắc của Đức Chúa Trời." Đó cũng chính là nội dung cốt lõi của sách Dân Số Ký. Chúng ta thấy Chúa nghiêm khắc như thế nào qua sự chết của dòng dõi chống nghịch trong đồng vắng, những người không bao giờ được vào Đất Hứa. Thế hệ sau nhận biết rằng Chúa là Đấng tốt lành. Chúa bảo vệ, giữ gìn và chu cấp cho dân sự cho đến khi họ chiếm được đất. Điều này nhắc nhở chúng ta về sự công chính và tình yêu thương của Chúa, hai điều luôn luôn hòa hợp với nhau dưới sự tể trị của Chúa.
Những điềm báo: Yêu cầu dân sự phải thánh khiết trọn vẹn đã được làm thành qua Chúa Giê-xu Christ, Đấng đã đến để làm trọn luật pháp thay cho chúng ta (Ma-thi-ơ 5:17). Đấng Mê-si-a theo lời hứa là chủ đề thấm nhuần cả sách. Câu chuyện trong chương 19 về dâng tế lễ con bò cái tơ “không tỳ vết” báo trước về Đấng Christ, Chiên Con của Đức Chúa Trời, hoàn toàn không tỳ vết tội lỗi. Chính Ngài đã được dâng lên làm của lễ vì tội chúng ta. Hình ảnh con rắn đồng được treo lên cột để đem lại sự chữa lành thuộc thể (Chương 21) cũng là hình ảnh Đấng Christ bị treo lên cây gỗ, và hình ảnh Chúa được tôn cao trong Lời Ngài. Bất cứ ai nhìn trông nơi Ngài bằng đức tin sẽ được chữa lành thuộc linh.
Trong chương 24, lời tiên tri thứ tư của Ba-la-am nói về ngôi sao và vương trượng sẽ ra từ dòng dõi Gia-cốp. Đây là lời tiên tri về Đấng Christ, Đấng được gọi là “sao mai” trong Khải Huyền 22:16 vì sự vinh hiển, sáng láng và huy hoàng và ánh sáng đến từ Ngài. Ngài cũng có thể được gọi là vương trượng, hay đúng hơn là người cầm vương trượng vì dòng dõi con vua của Ngài. Ngài không chỉ mang danh của vua nhưng còn có cả vương quốc và dùng cai trị với ân điển, lòng thương xót và sự công chính.
Áp dụng thực tiễn: Một chủ đề thần học chính được phát triển trong Tân Ước đã có khởi nguồn từ Dân Số Ký là: tội lỗi và bất tín, đặc biệt là phản nghịch, sẽ phải nhận sự xét đoán của Chúa. Trước hết Cô-rinh-tô nói rõ – cả Hê-bơ-rơ 3:7-4:13 cũng nhấn mạnh – những sự kiện này được chép lại để làm gương cho các tín hữu quan sát và tránh. Chúng ta không được đặt lòng mình vào một số điều ác (1 Cô-rinh-tô 10:6) hay gian dâm (câu 8), hay thử Chúa (câu 9) hay áp bức và phàn nàn (câu 10).
Như dân Y-sơ-ra-ên đã đi lang thang trong đồng vắng trong 40 năm được vì sự phản loạn họ, cũng như vậy Chúa cho phép chúng ta đi xa Ngài và chịu sự cô đơn, thiếu ơn phước khi chúng ta nổi loạn chống lại Ngài. Nhưng Chúa là thành tín và công bình, như Chúa đã phục hồi dân Y-sơ-ra-ên về nơi thuộc về họ trong lòng Chúa, Ngài sẽ luôn phục hồi Cơ Đốc nhân quay trở lại với ơn phước và mối quan hệ mật thiết với Ngài. (1 Giăng 1:9).
English
Trở lại trang chủ Khảo sát Cựu Ước
Sách Dân Số Ký
© Copyright Got Questions Ministries