Sách Rô-ma
Tác giả: Rô-ma 1:1 xác nhận tác giả của sách là sứ đồ Phao-lô. Rô-ma 16:22 cho thấy Phao-lô nhờ một người tên Tẹt-tiu để chép lại lời ông. (So sánh 1 Cô-rinh-to 16:21; Giê-rê-mi 36:18)Thời gian viết: Nhiều khả năng sách Rô-ma được viết vào 56-58 Trước Công Nguyên
Mục đích viết: Giống như các thư tín khác của Phao-lô gửi cho các hội thánh, mục đích của sách là công bố vinh quang của Chúa Giê-xu Christ bằng sự dạy dỗ giáo lý, khuyên răn và khích lệ người đọc. Phao-lô có sự quan tâm đặc biệt đến những người nhận thư này – “tất cả những người yêu dấu của Đức Chúa Trời tại thành Rô-ma, là những người được gọi làm thánh đồ” (Rô-ma 1:7). Vì chính Phao-lô cũng là người Rô-ma nên ông có tấm lòng đặc biệt với cộng đồng tín hữu tại đây. Cho đến thời điểm này ông vẫn chưa đến thăm hội thánh, nên lá thư này cũng như là lời giới thiệu với họ.
Các câu Kinh Thánh then chốt:
Rô-ma 1:16, “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hi Lạp.”
Rô-ma 3:9-11, “Vậy thì sao? Chúng ta có điều gì tốt hơn không? Hoàn toàn không; vì chúng tôi đã xác nhận rằng cả người Do Thái và Hi Lạp đều ở dưới quyền lực của tội lỗi, như có lời chép: “Chẳng có một ai công chính cả, dù một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời.’”
Rô-ma 3:21, “Nhưng bây giờ, sự công chính của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ ngoài luật pháp. Điều nầy đã được luật pháp và các nhà tiên tri làm chứng.”
Rô-ma 3:23: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời.”
Rô-ma 5:8, “Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.”
Rô-ma 6:23, “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta.”
Rô-ma 8:9, “Nhưng nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời thật sự ở trong anh em thì anh em không sống theo xác thịt, mà sống theo Thánh Linh; còn ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.”
Rô-ma 8:28: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài.”
Rô-ma 8:37-39, “Trái lại, trong mọi sự ấy chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà toàn thắng. Vì tôi đoan chắc rằng dù sự chết, sự sống, các thiên sứ, các bậc cầm quyền, việc hiện tại, việc tương lai, các quyền lực, chiều cao, chiều sâu, hoặc một tạo vật nào cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta.”
Rô-ma 10:9-10, “Vậy nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em sẽ được cứu. 10Vì ai tin trong lòng thì được xưng công chính, ai tuyên xưng nơi miệng thì được cứu rỗi.”
Rô-ma 12:1, “Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.”
Rô-ma 12:19, “Thưa anh em yêu dấu, đừng tự tay mình báo thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có lời Chúa phán: “Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng.”
Rô-ma 16:17, “Thưa anh em, tôi khuyên anh em hãy coi chừng những kẻ lập bè đảng và gây vấp phạm, chống lại sự dạy dỗ mà anh em đã học. Hãy tránh xa họ đi.”
Tóm lược: Phao-lô vui mừng vì cuối cùng cũng được chăm sóc hội thánh này, và mọi người đều biết vậy (Rô-ma 1:8-15). Lá thư cho người Rô-ma này được viết tại Cô-rinh-tô ngay trước khi Phao-lô lên đường đi Giê-ru-sa-lem để mang cứu trợ đến với những người nghèo nơi đó. Ông định đi tới Rô-ma rồi sau đó là Tây Ban Nha (Rô-ma 15:24), nhưng kế hoạch bị gián đoạn vì ông bị bắt tại Giê-ru-sa-lem. Là tù nhân, cuối cùng ông sẽ bị chuyển đến Rô-ma. Nhiều khả năng Phê-bê, tín hữu tại Sen-cơ-rê gần Cô-rinh-tô (Rô-ma 16:1), là người đã mang thư đến Rô-ma.
Sách Rô-ma chủ yếu bàn về vấn đề giáo lý và có thể chia thành bốn phần: nhu cầu công chính, 1:18–3:20; sự ban cho công chính, 3:21–8:39; biện luận cho sự công chính, 9:1–11:36; thực hành sự công chính, 12:1–15:13. Chủ đề chính của sách này rõ ràng bàn về sự công chính. Được Đức Thánh Linh dẫn dắt, trước hết Phao-lô kết án tất cả mọi người đều có tội. Ông bày tỏ lòng khao khát muốn giảng lẽ thật lời Chúa cho tín hữu tại Rô-ma. Ông muốn đảm bảo rằng họ đang đi đúng đường. Ông nhấn mạnh rằng mình không hổ thẹn bởi phúc âm (Rô-ma 1:16) vì là quyền phép cứu mọi kẻ tin.
Sách Rô-ma cho chúng at biết về Chúa, Ngài là ai và Ngài đã làm gì. Sách cũng cho chúng ta biết về Chúa Giê-xu Christ và sự chết Ngài đã làm trọn. Sách cho chúng ta biết về bản thân mình, chúng ta như thế nào nếu không có Đấng Christ và chúng ta là ai sau khi tin Chúa. Phao-lô chỉ ra rằng Chúa không yêu cầu nhân loại phải làm ngay thẳng đời sống của mình trước khi đến với Đấng Christ. Trong khi chúng ta còn là kẻ có tội thì Chúa đã chết cho chúng ta trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta rồi.
Liên hệ với các sách khác: Phao-lô sử dụng những con người trong Cựu Ước và các sự kiện để minh họa cho lẽ thật vinh quang này trong sách Rô-ma. Áp-ra-ham đã tin và ông được gọi là công chính bởi đức tin đó, không phải bởi việc làm (Rô-ma 4:1-5). Trong Rô-ma 4:6-9, Phao-lô nói đến Đa-vít cũng để nhắc lại lẽ thật đó: “Phước cho người nào lỗi lầm được thứ tha, tội lỗi được khỏa lấp! Phước cho người mà Chúa không kể là có tội!” (Thi thiên 32:1). Phao-lô dùng A-đam để giải thích cho người Rô-ma về giáo lý nguyên tội. Ông cũng dùng Sa-ra và I-sác, đứa con theo lời hứa, để minh họa nguyên tắc Cơ Đốc nhân là con của lời hứa thánh của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Trong chương 9-11, Phao-lô nhắc lại lịch sử dân tộc Y-sơ-ra-ên và tuyên bố rằng Chúa không hoàn toàn từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên (Rô-ma 11:11-12), nhưng cho pháp họ “vấp ngã” cho đến khi nào toàn bộ dân ngoại được đưa đến sự cứu rỗi.
Áp dụng thực tế: Sách Rô-ma nói rõ rằng chúng ta không thể làm gì để cứu chính mình được. Tất cả những việc “lành” mà chúng ta đã làm chỉ là chiếc áo nhơ trước mặt Chúa. Chúng ta chết vì những vi phạm và phạm tội nhiều đến nỗi chỉ có ân điển và lòng thương xót của Chúa có thể cứu chúng ta. Chúa đã thể hiện lòng ân điển và lòng thương xót đó bằng cách sai Con Ngài, Chúa Giê-xu Christ đến để chết thế cho chúng ta trên thập tự. Khi chúng ta quay trở về với Đấng Christ, chúng ta không còn bị bản chất tội lỗi kiểm soát nhưng được Đức Thánh Linh điều khiển. Nếu chúng ta xưng nhận Chúa Giê-xu là Chúa, và tin Ngài đã sống lại từ cõi chết, chúng ta được cứu và được tái sinh. Chúng ta từ đó phải sống cuộc đời dâng lên cho Chúa như một của lễ sống. Thờ phượng Chúa là Đấng cứu chuộc phải là khao khát lớn nhất của chúng ta. Có lẽ sự áp dụng tốt nhất trong sách Rô-ma là Rô-ma 1:16: sống không hổ thẹn về phúc âm. Thay vì hổ thẹn, chúng ta hãy trung tín rao truyền danh Ngài!
English
Trở lại trang chủ tiếng Khảo sát Tân Ước