Sách Thi thiên
Tác giả: Miêu tả ngắn gọn giới thiệu sách Thi thiên đã liệt kê Đa-vít là tác giả 73 lần. Nhân cách và nhân dạng của Đa-vít được miêu tả rõ ràng trong nhiều chương của sách Thi thiên. Mặc dù rõ ràng rằng Đa-vít viết nhiều chương Thi thiên riêng biệt, nhưng ông chắc chắn không phải là tác giả của toàn bộ Thi thiên. Hai chương Thi thiên (72) và (127) là do Sa-lô-môn, là con trai và là người kế vị của Đa-vít viết. Thi thiên 90 là lời cầu nguyện của Môi-se. Một nhóm khác gồm 12 Thi thiên (50) và (73-83) là do gia đình A-sáp viết. Con cháu Cô-rê viết 11 Thi thiên (42, 44-49, 84-85, 87-88). Thi thiên 88 do Hê-man viết, trong khi đó Thi thiên 89 do Ê-than người Ếch-ra-hít viết. Ngoại trừ Sa-lô-môn và Môi-se, thì tất cả những tác giả góp phần viết sách Thi thiên này đều là các thầy tế lễ hay người Lê-vi, là những người chịu trách nhiệm cung ứng âm nhạc cho sự thờ phượng trong đền thờ suốt thời Đa-vít trị vì. Có 50 Thi thiên không rõ ai là tác giả.Thời gian viết: Sau khi kiểm tra cẩn thận về nguồn gốc tác giả, cũng như chủ đề bao phủ toàn sách Thi thiên thì thấy rằng nó kéo dài một khoảng thời gian nhiều thế kỷ. Thi thiên cổ nhất có lẽ là bài cầu nguyện của Môi-se (Thi thiên 90), một sự phản ánh về tình trạng yếu đuối của con người khi so sánh với sự đời đời của Đức Chúa Trời. Thi thiên mới nhất có lẽ là Thi thiên 137, một bài than khóc được viết rõ ràng trong suốt những ngày mà người Hê-bơ-rơ đang bị cầm tù bởi Ba-by-lôn, từ khoảng năm 586 đến 538 trước Công Nguyên.
Rõ ràng là 150 Thi thiên riêng biệt được viết bởi nhiều người khác nhau qua khoảng thời gian một ngàn năm lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Chúng đã được gom nhặt và sắp xếp lại với nhau như hình thái hiện tại bởi một số người biên tập vô danh trong khoảng thời gian ngắn sau khi sự cầm tù kết thúc vào khoảng năm 537 trước Công Nguyên.
Mục đích viết: Sách Thi thiên là sách dài nhất trong Kinh thánh với 150 Thi thiên riêng biệt. Nó cũng thuộc loại đa dạng nhất, vì Thi thiên đề cập đến nhiều chủ đề như Đức Chúa Trời và sự sáng tạo của Ngài, chiến tranh, sự thờ phượng, sự khôn ngoan, tội lỗi và cái ác, sự đoán xét, sự công bình, và sự đến của đấng Mê-si.
Những câu Kinh thánh then chốt:
Thi thiên 19:1, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.”
Thi thiên 22:16-19, “Vì những chó bao quanh tôi. Một lũ hung ác vây phủ tôi. Chúng nó đâm lủng tay và chân tôi. Tôi đếm được các xương tôi. Chúng nó xem và ngó chân tôi. Chúng nó chia nhau áo xống tôi. Bắt thăm về áo dài tôi.”
Thi thiên 23:1, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.”
Thi thiên 29:1-2, “Hỡi các con của Đức Chúa Trời. Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển và quyền năng. Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài. Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đức Giê-hô-va.”
Thi thiên 51:10, “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch. Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.”
Thi thiên 119:1-2, “Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối mình. Đi theo luật pháp của Đức Giê-hô-va. Phước cho những người gìn giữ chứng cớ Ngài. Và hết lòng tìm cầu Ngài.”
Tóm tắt ngắn gọn: Sách Thi thiên là bộ sưu tập những lời cầu nguyện, bài thơ, và thánh nhạc tập trung vào tư tưởng của người thờ phượng vào Chúa trong sự ngợi khen và tôn thờ. Một số phần của sách này được sử dụng như là một bài thánh ca trong những buổi nhóm thờ phượng của người Y-sơ-ra-ên cổ xưa. Di sản âm nhạc của Thi thiên được chứng minh bởi tựa đề của nó. Nó xuất phát từ chữ Hy Lạp có nghĩa là “một bài hát được hát với dụng cụ âm nhạc kèm theo”.
Những điềm báo: Sự chu cấp của Đức Chúa Trời về một Đấng Cứu Thế cho dân sự Ngài là chủ đề luôn được lập lại trong Thi thiên. Bức tranh tiên đoán về Đấng Mê-si được tìm thấy trong nhiều Thi thiên. Thi thiên 2:1-12 miêu tả sinh động về sự chiến thắng và vương quốc của Đấng Mê-si. Thi thiên 16:8-11, điềm báo về sự chết và sự sống lại của Ngài. Thi thiên 22 cho chúng ta thấy sự đau đớn của Đấng Cứu Thế trên thập tự giá và bày tỏ lời tiên tri chi tiết về sự khổ hình thập giá, tất cả đều đã được ứng nghiệm cách đầy trọn. Sự vinh hiển của Đấng Mê-si và cô dâu của Ngài được trình bày trong Thi thiên 45:6-7, trong khi đó Thi thiên 72:6-17, 89:3-37, 110:1-7 và 132:12-18 trình bày sự vinh hiển và sự thống trị toàn vũ trụ của Ngài.
Áp dụng thực tiễn: Một trong những kết quả được đầy dẫy Đức Thánh Linh hay lời của Đấng Christ là ca hát. Thi thiên là “quyển sách nhạc” của Hội thánh ban đầu phản ánh lẽ thật mới về Đấng Christ.
Đức Chúa Trời cũng là Chúa trong toàn bộ Thi thiên. Nhưng chúng ta đáp ứng với Ngài bằng nhiều cách khác nhau theo những hoàn cảnh cụ thể trong đời sống của chúng ta. Tác giả Thi thiên tuyên bố rằng Đức Chúa Trời kỳ diệu mà chúng ta thờ phượng là Đấng trên cao và vượt quá sự hiểu biết của con người nhưng cũng là Đấng đủ gần để chạm và bước đi bên cạnh chúng ta trong mọi nẻo đường đời.
Chúng ta có thể bày tỏ mọi cảm xúc của mình với Đức Chúa Trời – bất kể là cảm xúc tiêu cực như thế nào hay sự phàn nàn của chúng ta – và chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài sẽ nghe và hiểu. Tác giả Thi thiên dạy chúng ta rằng lời cầu nguyện sâu sắc nhất trong tất cả là sực khóc lóc cầu xin sự giúp đỡ khi chúng ta nhận thấy rằng mình bị chôn vùi bởi những nan đề của cuộc sống.
English
Trở lại trang chủ Khảo sát Cựu Ước