Câu hỏi
Có thể nào một số câu chuyện trong Kinh Thánh đã được sao chép lại từ những huyền thoại và truyền thuyết của các tôn giáo khác không?
Trả lời
Có nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh chia xẻ những điểm tương đồng đáng lưu ý với những câu chuyện từ các tôn giáo, truyền thuyết và huyền thoại khác. Vì mục đích của bài viết này, chúng tôi sẽ khảo sát hai ví dụ nổi bật hơn.
Trước hết, chúng ta hãy để ý đến câu chuyện về Sự Sa Ngã của loài người trong Sáng thế ký chương 3. Có một truyền thuyết Hy Lạp, về Pandora's Box (Nguyệt Quang Bảo Hộp), mà trong đó có những chi tiết khác biệt rất nhiều so với câu chuyện Kinh Thánh về Sự Sa Ngã mà người ta có thể không bao giờ nghi ngờ là có liên hệ với nhau. Nhưng dù có những khác biệt đáng kể, chúng thật ra có thể chứng thực cho cùng một sự kiện lịch sử. Cả hai câu chuyện đều cho thấy người phụ nữ đầu tiên đã mở đường cho tội lỗi, bệnh tật và đau khổ gây ra cho thế giới nơi mà trước đây đã từng là thiên đường Ê-đen. Cả hai câu chuyện kết thúc bằng sự xuất hiện của niềm hy vọng, hy vọng trong một Đấng Cứu Thế đã được hứa trong trường hợp của Sáng thế ký, và "hy vọng" như là một thứ đã được phóng thích từ chiếc hộp ở phần cuối cùng của truyền thuyết Pandora.
Như những truyền thuyết tuôn tràn sự phong phú của thế giới, Pandora's Box cho thấy cách mà đôi khi Kinh Thánh có thể giống với các huyền thoại ngoại giáo chỉ đơn giản là bởi vì chúng thảy đều nói về một sự thật cốt lõi lịch sử mà qua nhiều năm chính nó được bày tỏ ra trong lịch sử cổ đại (như trong trường hợp của Kinh Thánh) và những câu chuyện ngụ ngôn đầy thi vị (như trong trường hợp của Pandora, nhân vật trong câu chuyện được những người Hy-lạp kể lại bằng nhiều cách khác nhau nhưng sự thật cốt lõi của người ấy gần như vẫn không thay đổi). Những điểm giống nhau không hướng đến việc câu chuyện này được sao chép lại từ một câu chuyện khác, nhưng để chứng thực là cả hai câu chuyện đều dựa trên cùng một sự kiện lịch sử.
Sau cùng, có những trường hợp vay mượn, nhưng trong những trường hợp này, Kinh Thánh là nguồn, chứ không phải là các huyền thoại ngoại giáo (dù cho ngụy tri thức tuyên bố ngược lại). Hãy xem trường hợp về sự ra đời của Sargon. Truyền thuyết nói rằng Sargon đã được mẹ của ông đặt trong một cái giỏ bằng mây và thả xuống sông. Ông đã được cứu bởi Aqqi, là người sau đó nhận nuôi ông như con trai của mình. Nghe có vẻ rất giống như câu chuyện của Môi-se trong Xuất Ê-díp-tô ký 2, đúng không? Và Sargon đã sống khoảng 800 năm trước khi Môi-se ra đời. Vì thế, câu chuyện cậu bé Môi-se-được-thả-xuống-sông-chỉ-để-được-giải-cứu- và-nuôi-dưỡng phải được mượn từ Sargon, đúng không?
Thoạt đầu nghe có vẻ hợp lý, nhưng những gì được biết về Sargon gần như hoàn toàn đến từ các truyền thuyết được viết ra hàng trăm năm sau cái chết của ông. Có rất ít hồ sơ đương đại ghi lại cuộc đời của Sargon. Truyền thuyết về thời thơ ấu của Sargon, cách ông được đặt trong một cái giỏ và thả xuống sông, xuất phát từ hai bảng chữ hình nêm vào thế kỷ thứ 7 trước CN (từ thư viện của vua Ashurbanipal, A-sy-ri, là người cai trị từ năm 668 đến năm 627 trước CN), được viết hàng trăm năm sau sách Xuất Ê-díp-tô ký. Nếu có ai đó muốn tranh cãi rằng câu chuyện này được mượn từ một câu chuyện khác, thì nó sẽ phải theo hướng ngược lại: truyền thuyết Sargon dường như đã mượn từ câu chuyện của Môi-se trong Xuất Ê-díp-tô ký.
Tác giả của Kinh thánh thì rõ ràng. Mặc dù nhiều người khác nhau đặt bút lên giấy, nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Trời mới thực sự là tác giả. II Ti-mô-thê 3:16-17 nói với chúng ta rằng Thánh Kinh được Đức Chúa Trời thần cảm. Kinh Thánh được Đức Chúa Trời thần cảm có nghĩa là gì? Theo nghĩa đen thì nó có nghĩa là được "Đức Chúa Trời hà hơi." Ngài đã viết nên nó, Ngài đã gìn giữ nó trải qua nhiều thế kỷ, Ngài sống trong từng trang của nó và qua nó mà sức mạnh của Ngài được bày tỏ trong đời sống của chúng ta.
English
Có thể nào một số câu chuyện trong Kinh Thánh đã được sao chép lại từ những huyền thoại và truyền thuyết của các tôn giáo khác không?