settings icon
share icon
Câu hỏi

Nhân danh và công bố” có phải là sự giảng dạy thuộc Kinh Thánh không?

Trả lời


Triết lý “Nhân danh và công bố” hoặc “phúc âm thịnh vượng” không thuộc Kinh Thánh và theo nhiều cách trái ngược với thông điệp phúc âm thật và sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh. Mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau của triết lý “Nhân danh và công bố” được rao giảng ngày nay, nhưng chúng đều có những đặc điểm giống nhau. Nói một cách tốt nhất, sự dạy dỗ này xuất phát từ việc giải thích sai và hiểu sai một số phân đoạn Kinh Thánh, và tệ nhất, nó là một sự dạy dỗ hoàn toàn dị giáo có những đặc điểm của giáo lý tà phái.

Nguồn gốc của phong trào Lời Đức tin và thông điệp “Nhân danh và công bố” có nhiều điểm chung với siêu hình học (triết học siêu thực) thời đại mới hơn là với Cơ Đốc giáo thuộc Kinh Thánh. Tuy nhiên, thay vì chúng ta tạo ra thực tế của mình bằng suy nghĩ của mình như những người ủng hộ thời đại mới khuyên, thì những người giảng dạy triết lý “Nhân danh và công bố” chỉ cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể sử dụng “sức mạnh của niềm tin” để tạo ra thực tế của riêng mình hoặc đạt được những gì chúng ta muốn. Về bản chất, đức tin được định nghĩa lại từ “sự trông cậy vào Đức Chúa Trời thánh khiết và tối cao bất chấp hoàn cảnh của chúng ta” thành “cách điều khiển Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những gì chúng ta muốn”. Đức tin trở thành một sức mạnh mà nhờ đó chúng ta có thể đạt được điều mình muốn hơn là sự tin tưởng vững chắc vào Đức Chúa Trời ngay cả trong lúc thử thách và đau khổ.

Có nhiều phạm vi mà triết lý “Nhân danh và công bố” khác với Cơ Đốc giáo trong Kinh Thánh. Sự dạy dỗ thực sự đề cao con người và “đức tin” của anh ta nơi Đức Chúa Trời. Trên thực tế, nhiều người giảng dạy thuộc phong trào Lời Đức Tin cực đoan hơn dạy rằng con người được tạo ra dựa trên điều kiện bình đẳng với Đức Chúa Trời và con người là cùng một hạng người giống như chính Đức Chúa Trời. Sự dạy dỗ nguy hiểm và dị giáo này phủ nhận những nguyên lý cơ bản của Cơ Đốc giáo trong Kinh Thánh, đó là lý do tại sao những người ủng hộ cực đoan cách giảng dạy về “Nhân danh và công bố” phải được coi là tà phái chứ thực sự không phải là Cơ Đốc giáo.

Sự giảng dạy của những tà phái siêu hình học và kể cả “Nhân danh và công bố” đều bóp méo lẽ thật và chấp nhận sự dạy dỗ sai lầm là suy nghĩ của chúng ta kiểm soát thực tế. Cho dù đó là sức mạnh của suy nghĩ tích cực hay phúc âm thịnh vượng, thì tiền đề đều giống nhau — những gì bạn nghĩ hoặc tin sẽ xảy ra, cuối cùng là điều kiểm soát những gì sẽ xảy ra. Nếu bạn suy nghĩ tiêu cực hoặc thiếu đức tin, bạn sẽ đau khổ hoặc không đạt được điều mình muốn. Nhưng mặt khác, nếu bạn nghĩ tích cực hoặc chỉ có “đủ đức tin”, thì bạn có thể có sức khỏe, sự giàu có và hạnh phúc ngay bây giờ. Sự dạy dỗ sai lầm này hấp dẫn một trong những bản năng cơ bản nhất của con người, đó là một lý do tại sao nó cực kỳ phổ biến.

Mặc dù phúc âm thịnh vượng và ý tưởng kiểm soát tương lai của một người bằng suy nghĩ hoặc đức tin của người đó đang thu hút con người tội lỗi, nhưng điều đó lại là sự xúc phạm đối với Đức Chúa Trời tối cao, Đấng đã bày tỏ chính Ngài trong Kinh Thánh. Thay vì công nhận quyền năng tối cao tuyệt đối của Đức Chúa Trời như Kinh Thánh bày tỏ, thì những người ủng hộ triết lý “Nhân danh và công bố” lại đi theo một vị thần giả không thể hành động ngoài đức tin của họ. Họ trình bày quan điểm sai lạc về Đức Chúa Trời bằng cách dạy rằng Ngài muốn ban phước cho bạn sức khỏe, sự giàu có và hạnh phúc nhưng không thể làm như vậy nếu BẠN không có đủ đức tin. Do đó Đức Chúa Trời không còn kiểm soát mà chính con người kiểm soát. Tất nhiên, điều này hoàn toàn trái ngược với những gì Kinh Thánh dạy. Đức Chúa Trời không dựa vào “đức tin” của con người để hành động. Xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Chúa Trời ban phước cho người mà Ngài chọn để ban phước và chữa lành cho người mà Ngài chọn để chữa lành.

Một vấn đề khác đối với sự dạy dỗ “Nhân danh và công bố” là nó không nhận ra rằng chính Chúa Giê-su là báu vật cuối cùng đáng để hy sinh mọi thứ (Ma-thi-ơ 13:44) thay vì xem Chúa Giê-su như là một cách để có được những gì chúng ta muốn ngay bây giờ. Sứ điệp của Chúa Giê-su là Cơ Đốc nhân được kêu gọi “phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại. Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:24–26). Đó là điều đối lập với thông điệp của phúc âm thịnh vượng. Thay vì là một thông điệp về sự từ bỏ bản thân, thì phúc âm thịnh vượng là một thông điệp về sự tự mãn. Mục tiêu của nó không phải là trở nên giống với Đấng Christ hơn qua sự hy sinh mà là có được những gì chúng ta muốn ở đây và bây giờ, rõ ràng là mâu thuẫn với những lời của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Kinh Thánh dạy rằng “hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-su Christ thì sẽ bị bắt bớ” (II Ti-mô-thê 3:12), nhưng thông điệp “Nhân danh và công bố” cho rằng bất kỳ sự đau khổ nào chúng ta trải qua chỉ là kết quả của sự thiếu đức tin. Phúc âm thịnh vượng hoàn toàn tập chú vào việc chúng ta nhận được những thứ mà thế giới phải cung cấp, nhưng I Giăng 2:15 nói với chúng ta rằng chúng ta không nên “yêu thế gian hoặc những thứ trên thế gian” và trên thực tế, những người có lòng yêu mến mọi vật trên thế gian sẽ trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời (Gia-cơ 4:4). Thông điệp của phúc âm thịnh vượng hoàn toàn trái ngược với bất cứ điều gì mà Kinh Thánh thực sự dạy.

Trong cuốn sách Your Best Life Now của mình, ông Joel Osteen, người giảng dạy về sự thịnh vượng nói rằng chìa khóa cho một cuộc sống ích lợi hơn, một ngôi nhà tốt hơn, một cuộc hôn nhân bền chặt hơn và một công việc tốt hơn được tìm thấy trong một “quá trình đơn giản nhưng sâu sắc để thay đổi cách bạn nghĩ về cuộc sống của bạn và giúp bạn hoàn thành những gì thực sự quan trọng”. Điều đó thật khác biệt biết bao so với lẽ thật trong Kinh Thánh rằng cuộc sống đời này bây giờ không là gì so với cuộc sống đời sau. Thông điệp của phúc âm thịnh vượng tập chú vào “kho báu” hoặc những điều tốt mà chúng ta muốn và có thể có ngay bây giờ, trong khi Chúa Giê-su nói, “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy, nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:19–21).

Chúa Giê-su không đến để ban cho chúng ta sức khỏe, sự giàu có và hạnh phúc bây giờ. Ngài đến để cứu chúng ta khỏi tội lỗi của mình để có thể có được hạnh phúc vĩnh viễn với Ngài. Vì Chúa Giê-su Christ không phải là một phương tiện để có được tất cả những thứ vật chất mà con người mong muốn trong cuộc đời này nhưng là cách duy nhất để kinh nghiệm đâu là cuộc sống thực sự, và làm như vậy cho đến đời đời. Mong muốn của chúng ta không phải là có được cuộc sống tốt nhất bây giờ mà là có thái độ như sứ đồ Phao-lô, người đã học cách thỏa lòng “dù ở trong bất cứ cảnh ngộ nào” (Phi-líp 4:11).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Nhân danh và công bố” có phải là sự giảng dạy thuộc Kinh Thánh không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries