settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về sự buồn bã?

Trả lời


Kinh Thánh có nhiều ví dụ về sự buồn bã do sa ngã và những áp dụng về cách chúng ta có thể tôn vinh Chúa qua nỗi buồn của mình. Nỗi buồn là kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp của tội lỗi, và vì chúng ta sống trong thế giới sa ngã nên tội lỗi là một phần bình thường của cuộc sống (Thi thiên 90:10). Các thi thiên chứa đầy những lời Đa-vít trút lên Đức Chúa Trời nỗi buồn trong lòng. Giống như Đa-vít, chúng ta thường cảm thấy rằng Đức Chúa Trời đã bỏ rơi chúng ta trong những lúc chúng ta đau buồn vì những người chối bỏ và chống đối chúng ta. “Tôi phải lo lắng nơi linh hồn tôi, Hằng ngày buồn thảm nơi lòng tôi cho đến bao giờ? Kẻ thù nghịch tôi sẽ trổi hơn tôi cho đến chừng nào?” (Thi Thiên 13:2). Nhưng Đức Chúa Trời luôn thành tín và, như Đa-vít kết luận, lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Chúa Trời không bao giờ là vô căn cứ. “Nhưng tôi đã tin cậy nơi sự nhân từ Chúa; Lòng tôi khoái lạc về sự cứu rỗi của Chúa. 6 Tôi sẽ hát ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm ơn cho tôi" (Thi Thiên 13:5-6).

Trong Thi thiên 16, Đa-vít vui mừng về số phận của mình với tư cách là môn đồ của một Đức Chúa Trời chân thật, bao gồm cả “phần cơ nghiệp đẹp đẽ” (c. 6), sự vui mừng, hân hoan và yên ninh (c. 9), trong khi những người chối bỏ Đức Chúa Trời và đi theo các thần khác sẽ càng thêm đau khổ (c. 4). Nhưng Đa-vít cũng phải chịu đựng thêm nỗi buồn khi thấy mình không được Đức Chúa Trời ban phước vì tội lỗi. “Mạng sống tôi tiêu hao vì cớ buồn bực, Các năm tôi sút kém tại than thở; Vì cớ tội ác tôi, Sức mạnh tôi mỏn yếu, và xương cốt tôi tiêu tàn.” (Thi Thiên 31:10). Nhưng ngay trong thi thiên tiếp theo, Đa-vít vui mừng về lòng thương xót của Đức Chúa Trời, Đấng tha thứ cho những ai đến với Ngài trong sự ăn năn. Nỗi buồn của Đa-vít biến thành phước lành nhân lên: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, Và trong lòng không có sự giả dối! ” (Thi Thiên 32:1-2). Trong Thi Thiên 32:10, Đa-vít tóm tắt vấn đề buồn rầu và đau khổ vì tội lỗi: “Kẻ ác có nhiều nỗi đau đớn; Nhưng người nào tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, sự nhân từ vây phủ người ấy”.

Dụ ngôn Đứa Con Trai Hoang Đàng trong Lu-ca 15:11-24 cũng cho chúng ta thấy cách chúng ta đối phó với nỗi buồn do tội lỗi gây ra. Các đặc điểm của sự ăn năn là xác tín tội lỗi, xưng tội với Đức Chúa Trời và những người khác đã bị ảnh hưởng bởi tội lỗi, mong muốn và cố gắng đền bù, từ bỏ con đường tội lỗi và theo đuổi sự tin kính. Tội lỗi của chúng ta sẽ dẫn đến sự buồn rầu theo ý Chúa và nhanh chóng biến thành sự ăn năn (2 Cô-rinh-tô 7:10).

Tất nhiên, không phải tất cả nỗi buồn đều do tội lỗi chúng ta phạm phải. Đôi khi nó chỉ là sống trong một thế giới bị nguyền rủa bởi tội lỗi giữa những sinh vật sa ngã. Gióp là một người đã trải qua nỗi sầu khổ và nỗi buồn sâu sắc, không phải do lỗi của ông. Của cải và mười đứa con của ông đều bị lấy đi cùng một lúc, khiến ông ngồi trên đống tro, người đầy mụn nhọt và lở loét (Gióp 1–3). Thêm vào nỗi khốn khổ của ông, ba “người bạn” của ông đã đến an ủi ông bằng cách buộc tội ông phạm tội chống lại Đức Chúa Trời. Họ lý luận rằng tại sao một người lại thấy mình ở trong hoàn cảnh như vậy? Nhưng như Đức Chúa Trời đã khải thị cho Gióp và bạn bè của ông, đôi khi Đức Chúa Trời gây ra hoặc cho phép những hoàn cảnh gây đau khổ và buồn phiền trong cuộc sống của chúng ta vì mục đích thánh khiết của Ngài. Và đôi khi, Đức Chúa Trời thậm chí không giải thích lý do của Ngài với chúng ta (Gióp 38–42).

Tác giả Thi thiên nói với chúng ta: “Còn Đức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn” (Thi thiên 18:30). Nếu đường lối của Đức Chúa Trời là “trọn vẹn”, thì chúng ta có thể tin tưởng rằng bất cứ điều gì Ngài làm—và bất cứ điều gì Ngài cho phép—cũng đều trọn vẹn. Điều này dường như không thể chấp nhận đối với chúng ta, nhưng tâm trí của chúng ta không phải là tâm trí của Chúa. Đúng là chúng ta không thể mong đợi hiểu được tâm trí của Ngài một cách trọn vẹn, như Ngài nhắc nhở chúng ta: “Vì ý tưởng của ta không phải là ý tưởng của các ngươi, đường lối của các ngươi không phải là đường lối của ta, Đức Giê-hô-va phán vậy. Vì trời cao hơn đất bao nhiêu, đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, tư tưởng ta cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu” (Ê-sai 55:8-9). Đôi khi ý muốn trọn vẹn của Thượng Đế bao gồm cả nỗi buồn và sự phiền muộn cho con cái của Ngài. Nhưng chúng ta có thể vui mừng vì Ngài không bao giờ thử thách chúng ta vượt quá khả năng chịu đựng của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 10:13) và cuối cùng mọi sự hiệp lại sẽ có ích cho những ai yêu mến Ngài, khiến chúng ta trở nên giống Con Ngài hơn (Rô-ma 8: 28–29).

Không có sự đau khổ nào từng trải qua hơn sự đau khổ của Chúa Giê-su, một “ người từng trải sự buồn bực, biết sự đau buồn” (Ê-sai 53:3). Cuộc đời của Ngài là một chuỗi đau khổ nối tiếp nhau, từ lúc nằm nôi cho đến khi bước lên thập giá. Khi Ngài còn thơ ấu, mạng sống của Ngài bị Hê-rốt đe dọa, và cha mẹ Ngài phải đem Ngài trốn sang Ai Cập (Ma-thi-ơ 2:19-20). Toàn bộ chức vụ của Ngài được đặc trưng bởi nỗi buồn mà Ngài cảm thấy từ sự chai đá và vô tín của lòng người, từ sự chống đối của các nhà lãnh đạo tôn giáo, và thậm chí từ sự hay thay đổi của chính các môn đồ của Ngài, chưa kể đến sự cám dỗ của Sa-tan. Đêm trước khi bị đóng đinh, Ngài “rất đau buồn cho đến chết” khi suy ngẫm về cơn thạnh nộ và công lý sắp đến của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên Ngài khi Ngài chịu chết thay cho dân Ngài (Ma-thi-ơ 26:38). Nỗi thống khổ của Ngài lớn đến nỗi mồ hôi của Ngài như những giọt máu lớn (Lu-ca 22:44). Dĩ nhiên, nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời của Ngài là khi trên thập tự giá, Cha Ngài đã giấu mặt Ngài khỏi Con, khiến Chúa Giê-xu phải kêu lên trong đau đớn: “Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Chắc chắn không có nỗi buồn nào mà bất kỳ ai trong chúng ta trải qua có thể so sánh với nỗi buồn của Đấng Cứu Rỗi.

Nhưng giống như Chúa Giê-su đã được phục hồi ngồi bên hữu của Cha Ngài sau khi chịu đựng sự đau buồn, thì chúng ta có thể yên tâm rằng qua những khó khăn và những lúc đau buồn, Đức Chúa Trời dùng nghịch cảnh để khiến chúng ta trở nên giống Đấng Christ hơn (Rô-ma 5:3-5; 8:28 -29; Gia-cơ 1:2-4; Hê-bơ-rơ 12:10). Ngài ở với chúng ta trong nỗi buồn và đồng cảm với nỗi khổ của chúng ta (Hê-bơ-rơ 4:15). Chúng ta có thể trao mọi lo lắng cho Ngài và tin cậy vào tình yêu của Ngài dành cho chúng ta (1 Phi-e-rơ 5:7). Có thể chúng ta không hiểu, nhưng chúng ta có thể yên nghỉ trong vòng tay thành tín của Ngài và bày tỏ nỗi buồn với Ngài (Thi thiên 58:6). Chúng ta cũng có gia đình của Đấng Christ mà chúng ta có thể chia sẻ gánh nặng của mình (Ga-la-ti 6:2; Rô-ma 12:15). Chúng ta không nên cô lập mình trong nỗi buồn, nhưng có thể than khóc với nhau và khích lệ nhau (Hê-bơ-rơ 10:24–26; Ê-phê-sô 5:19–20). Dù cuộc sống giữa nhân loại tội lỗi trong thế giới này sẽ không bao giờ toàn vẹn, nhưng chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là thành tín và khi Đấng Christ tái lâm, nỗi buồn sẽ được thay thế bằng sự vui mừng (Ê-sai 35:10). Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta dùng nỗi buồn của mình để tôn vinh Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 1:6-7) và yên nghỉ trong ân điển và sự bình an của Chúa là Đức Chúa Trời Toàn năng.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về sự buồn bã?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries