Câu hỏi
Sự vào thành đầy đắc thắng có ý nghĩa gì?
Trả lời
Sự vào thành đầy đắc thắng là việc Chúa Giê-xu đi vào thành Giê-ru-sa-lem, là điều mà chúng ta biết là Chúa nhật Lễ lá, là Chúa nhật trước khi bị đóng đinh (Giăng 12:1,12). Câu chuyện về sự vào thành đầy đắc thắng là một trong số ít sự kiện trong đời sống của Chúa Giê-xu xuất hiện trong cả bốn sách Phúc âm (Ma-thi-ơ 21:1-17; Mác 11:1-11; Lu-ca 19:29-40; Giăng 12:12-19). Đặt bốn lời tường thuật lại với nhau, nó trở nên rõ ràng rằng sự vào thành đầy đắc thắng là một sự kiện quan trọng, không chỉ đối với những người trong thời Chúa Giê-xu, mà còn đối với các Cơ Đốc nhân xuyên suốt lịch sử. Chúng ta kỷ niệm Chúa nhật Lễ lá để nhớ đến dịp trọng đại này.
Vào ngày đó, Chúa Giê-xu cưỡi trên lưng một con lừa được mượn để đi vào thành Giê-ru-sa-lem, là một con lừa chưa bao giờ được cưỡi trước đó. Các môn đệ trải áo choàng của họ trên lưng con lừa để Chúa Giê-xu ngồi lên, và nhiều người đã đến chào đón Ngài, đặt trước Ngài áo choàng của họ và những cành cây cọ. Người ta hoan nghênh và ca ngợi Ngài là "Vua đến trong danh Chúa" (Giăng 12:13) khi Ngài đi đến đền thờ, nơi Ngài dạy người dân, chữa lành họ, và đuổi những người đổi tiền và buôn bán đã làm nhà của Cha Ngài thành một "hang trộm cướp" (Mác 11:17).
Mục đích của Chúa Giê-xu trong việc cưỡi lừa đi vào thành Giê-ru-sa-lem là công khai lời tuyên bố của Ngài là Đấng Mê-si và Vua Y-sơ-ra-ên của họ trong việc thực hiện lời tiên tri Cựu Ước. Ma-thi-ơ nói rằng Vua sắp đến ngồi trên lưng một con lừa là một sự ứng nghiệm chính xác của Xa-cha-ri 9:9, "Hỡi con gái Si-ôn, hãy hết sức vui mừng! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy reo hò mừng vui! Nầy, Vua ngươi đến với ngươi. Ngài là Đấng Công Chính và ban sự cứu rỗi. Khiêm tốn và cưỡi lừa. Một con lừa con, là con của lừa cái". Chúa Giê-xu cưỡi lừa vào thủ phủ của Ngài như một vị Vua đến trong hoà bình và được hoan nghênh bởi dân chúng.
Các đường phố của Giê-ru-sa-lem, thành phố hoàng gia, mở cửa cho Ngài, và giống như một vị vua Ngài lên đến cung điện của Ngài, không phải là cung điện thế tục mà là cung điện thiêng liêng là đền thờ, bởi vì vương quốc của Ngài là một vương quốc thuộc linh. Ngài nhận được sự thờ phượng và ngợi khen của dân chúng bởi vì chỉ có Ngài xứng đáng với nó. Ngài không còn nói với các môn đệ của Ngài phải im lặng về Ngài nữa (Ma-thi-ơ 12:16, 16:20) nhưng reo hò, ca ngợi Ngài và tôn thờ Ngài một cách công khai. Sự trải ra các áo choàng là một hành động tôn kính cho hoàng tộc (xin xem II Các Vua 9:13). Chúa Giê-xu công khai tuyên bố với dân chúng rằng Ngài là Vua của họ và là Đấng Mê-si-a mà họ đang chờ đợi.
Thật không may, sự ca ngợi mà dân chúng dành cho Chúa Giê-xu không phải vì họ nhận ra Ngài là Đấng Cứu Rỗi giúp họ thoát khỏi tội lỗi. Họ hoan nghênh Ngài vì họ mong ước có một người giải phóng thuộc về Đấng Mê-si-a, một người sẽ dẫn dắt họ trong cuộc nổi dậy chống lại đế quốc La Mã. Có nhiều người mặc dù họ không tin vào Đấng Christ là Đấng Cứu Rỗi, tuy nhiên họ hy vọng rằng có thể Ngài sẽ là một người giải phóng trần tục vĩ đại dành cho họ. Đây là những người đã hoan nghênh Ngài là Vua với những lời tung hô Chúa của họ, công nhận Ngài là Con trai của Đa-vít đã đến trong danh của Chúa. Nhưng khi Ngài không đáp ứng được kỳ vọng của họ, khi Ngài từ chối dẫn dắt họ trong một cuộc nổi loạn ồ ạt chống lại những người chiếm đóng La Mã, thì đám đông nhanh chóng quay lưng với Ngài. Chỉ trong vài ngày, những lời tung hô Chúa của họ sẽ đổi thành tiếng reo hò "Đóng đinh Ngài" (Lu-ca 23:20-21). Những người hoan nghênh Ngài là một anh hùng sẽ sớm từ chối và từ bỏ Ngài.
Câu chuyện về sự vào thành đầy đắc thắng là một trong những sự tương phản, và những tương phản đó chứa đựng những ứng dụng cho tín đồ. Đó là câu chuyện của vị Vua đã đến như một người đầy tớ thấp hèn trên một con lừa, không phải là một chiến mã nghênh ngang, không phải trong áo choàng hoàng gia, mà là trong quần áo của người nghèo và khiêm nhường. Chúa Giê-xu Christ không đến để chinh phục bằng vũ lực như các vị vua trần thế mà bởi tình yêu, ân điển, lòng thương xót, và sự hy sinh của chính Ngài cho dân sự của Ngài. Vương quốc của Ngài không phải là vương quốc của quân đội và huy hoàng mà là sự thấp hèn và đầy tớ. Ngài không chinh phục quốc gia mà là tấm lòng và tâm trí. Sứ điệp của Ngài là một sự bình an với Chúa, chứ không phải là sự bình an trần tục. Nếu Chúa Giê-xu đã thiết lập một sự vào thành đầy đắc thắng trong lòng chúng ta, thì Ngài ngự trị ở đó trong bình an và tình yêu. Là những người theo Ngài, chúng ta cũng thể hiện những phẩm chất đó, và thế giới sẽ thấy vị Vua thật sự sống và ngự trị trong khải hoàn bên trong chúng ta.
English
Sự vào thành đầy đắc thắng có ý nghĩa gì?