Câu hỏi
Liệu có quyền năng thật trong lời xưng nhận tích cực?
Trả lời
Sự xưng nhận tích cực (tuyên xưng rõ ràng) là hành động nói lớn tiếng ra những gì mình muốn xảy đến cho bản thân với hy vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ biến chúng thành hiện thực. Điều này phổ biến giữa vòng tín đồ của Phúc Âm Thịnh Vượng, những người tuyên bố rằng lời nói có năng quyền thuộc linh và nếu chúng ta nói ra những lời đúng đắn với đức tin đúng đắn, chúng ta có thể có được sự giàu có và sức khỏe, trói buộc quỷ Sa-tan, và làm được mọi điều mình mong muốn. Xưng nhận tích cực nghĩa là nói ra những lời chúng ta tin hoặc muốn tin, từ đó khiến chúng trở thành hiện thực. Nó đối nghịch với xưng nhận tiêu cực, nghĩa là nhận thức những khó khăn, nghèo đói, và bệnh tật, và do đó (được cho là) chấp nhận chúng và từ chối sự an ủi, thịnh vượng hay sức khỏe mà Đức Chúa Trời đã hoạch định cho chúng ta.
Có nhiều điểm sai trật trong triết lý này. Nguy hiểm nhất chính là niềm tin rằng ngôn từ có thể mang một sức mạnh tâm linh, huyền nhiệm mà chúng ta có thể vận dụng để đạt được điều mình mong muốn. Việc thực hành này không bắt nguồn từ lẽ thật trong Kinh Thánh, nhưng là một khái niệm của phong trào Thời Đại Mới có tên gọi là “Định Luật Hấp Dẫn”. Định luật này dạy rằng “Những thứ giống nhau sẽ thu hút nhau” – một lời tuyên bố hay suy nghĩ tích cực sẽ thu hút kết quả tích cực kéo theo. Mọi điều trên đều xoay quanh sự hiện hữu và quyền năng của Chúa – không phải chính “Chúa” với tư cách Đấng Sáng Tạo toàn tại, mà như một “vị thần” trong tư tưởng Hindu Giáo / tư tưởng phiếm thần. Hệ quả cốt lõi của nó là niềm tin rằng ngôn từ của chúng ta nắm giữ quyền năng có thể buộc Đức Chúa Trời phải ban cho chúng ta điều chúng ta mong muốn - một niềm tin tà giáo. Thêm vào đó, kết quả của lời xưng nhận tích cực này đến từ sức mạnh đức tin của mỗi cá nhân. Điều này dẫn đến quan niệm cổ xưa rằng bệnh tật hay nghèo đói là một dạng hình phạt cho tội lỗi (trong trường hợp này là sự thiếu đức tin). Giăng 9:1-3 và toàn bộ sách Gióp đã bác bỏ điều này.
Vấn đề thứ hai đó là Phúc Âm Thịnh Vượng đã diễn giải sai lệch những lời hứa của Đức Chúa Trời. “Xưng nhận” nghĩa là đồng thuận với những gì Đức Chúa Trời đã phán; “Xưng nhận tích cực” là sự đòi hỏi của con người. Những người cổ xúy cho xưng nhận tích cực nói rằng hành động này đơn giản là tái khẳng định những lời hứa Chúa đã ban trong Kinh Thánh. Tuy nhiên họ không phân biệt giữa những lời hứa phổ quát của Đức Chúa Trời dành cho tất cả tín đồ (Ví dụ: Phi-líp 4:19) với những lời hứa Ngài dành cho những cá nhân tại những thời điểm cụ thể cho những mục đích cụ thể (Ví dụ: Giê-rê-mi 29:11). Họ cũng diễn giải sai lạc về những lời hứa Chúa có ban cho chúng ta, và phủ nhận rằng kế hoạch của Ngài có thể sẽ khác biệt so với kế hoạch của chúng ta (Ê-sai 55:9). Một cuộc sống hoàn hảo vô lo là hoàn toàn ngược lại với những gì Chúa Giê-su phán về chặng đường đời của người Cơ Đốc – và cuộc sống mà những người theo Ngài sẽ trải qua. Chúa Giê-su không hứa ban sự giàu có: Ngài hứa rằng sẽ có những khó khăn (Ma-thi-ơ 8:20). Ngài không hứa rằng mọi thứ chúng ta muốn đều sẽ được đáp ứng; Ngài hứa rằng chúng ta sẽ có những điều mình cần (Phi-líp 4:19). Ngài không hứa sự bình yên trong gia đình; Ngài hứa rằng vấn đề sẽ phát sinh trong các gia đình khi một số người chọn tin theo Ngài và một vài thành viên khác thì không (Ma-thi-ơ 10:34-36). Và Ngài không hứa ban sự khỏe mạnh: Ngài hứa sẽ làm trọn chương trình Ngài dành cho chúng ta và ban ân điển trong những khi thử thách (II Cô-rinh-tô 12:7-10)
Một vấn đề khác của xưng nhận tích cực chính là, mặc dù sự “xưng nhận” được hiểu là chỉ về những thứ trong tương lai, nhưng nhiều lời xưng nhận đó đơn giản là lời nói dối. Rõ ràng là việc dùng ngôn từ để xưng ra niềm tin nơi Chúa và sự giải cứu bởi sự hy sinh của Chúa Giê-su là tốt. Nhưng việc tuyên bố rằng, “Tôi sẽ luôn vâng phục Chúa,” hay, “Tôi sẽ giàu có,” là lừa dối và có thể đi ngược lại với ý muốn của chính Đức Chúa Trời mà chúng ta đang nương dựa vào. Đặc biệt gây khó chịu chính là những lời “xưng nhận” về người khác. Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi chúng ta quyền tư do để phục vụ hoặc chống lại Ngài theo những cách thức cá nhân; việc tuyên bố khác đi là rất ngu muội.
Cuối cùng, Kinh Thánh bày tỏ rất rõ rằng “xưng nhận tiêu cực” không phải là phủ nhận ơn phước của Đức Chúa Trời. Các Thi Thiên chứa đầy những lời kêu khóc xin Chúa giải cứu, Thi Thiên 55:22 và I Phi-e-rơ 5:7 khích lệ chúng ta làm theo những ví dụ ấy. Kể cả Chúa Giê-su cũng đã đến trước Cha Thiên Thượng với góc nhìn rõ ràng về tình huống mình đang đối diện và kêu xin sự giúp đỡ (Ma-thi-ơ 26:39). Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh không phải là một Ông Già Nô-ên của vũ trụ (Gia-cơ 4:1-3). Ngài là một người Cha yêu thương luôn muốn bước vào trong cuộc đời của con cái Ngài – trong mọi thuận cảnh hay nghịch cảnh. Chỉ khi chúng ta khiêm nhường hạ mình và kêu xin sự giúp đỡ, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sự giải cứu khỏi nghịch cảnh hoặc sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh ấy.
Vậy xưng nhận tích cực có giá trị gì hay không? Có, theo một cách hiểu nào đó. Những người tự tin rằng mình có thể giải quyết vấn đề thường sẽ có sự thoải mái và sáng tạo hơn. Một tâm trạng tích cực đã được chứng minh là có thể cải thiện sức khỏe. Và những người hạnh phúc thường giữ được khoảng cách cảm xúc cần thiết giữa họ và những người khác để có thể nắm bắt những gợi ý tinh tế dẫn đến những mối quan hệ hay giao dịch kinh doanh thành công. Thêm vào đó, việc thường xuyên nêu ra mục tiêu của mình sẽ giúp giữ mục tiêu đó ở vị trí hàng đầu; những người luôn nghĩ về việc kiếm được nhiều tiền hơn sẽ có những hành động cụ thể kéo theo.
Sự nguy hiểm của xưng nhận tích cực vượt xa những lợi ích mà nó đem lại. Tất cả những lợi thế mà chúng ta đã liệt kê đều thuộc về khía cạnh tâm lý và một chút sinh lý học – chứ không phải tâm linh. Lợi ích tâm linh duy nhất có thể có được chính là sự thật rằng những người trông đợi Đức Chúa Trời hành động là những người dễ nhìn thấy việc Chúa làm trong nhiều hoàn cảnh hơn. Nhưng ngôn từ không phải phép thuật. Vai trò của chúng ta với Cha Thiên Thượng không phải là người đòi hỏi, nhưng là đối tượng kêu xin sự giúp đỡ và đặt lòng tin cậy, để rồi nhận thức rằng ơn phước của chúng ta không phụ thuộc vào sức mạnh đức tin của bản thân, nhưng vào chương trình và quyền năng của Đức Chúa Trời trên chúng ta.
English
Liệu có quyền năng thật trong lời xưng nhận tích cực?