Câu hỏi
Tại sao Chúa thử thách chúng ta?
Trả lời
Khi chúng ta hỏi tại sao Đức Chúa Trời thử thách chúng ta hoặc cho phép chúng ta bị thử thách, thì chúng ta thừa nhận rằng sự thử thách thực sự đến từ Ngài. Khi Đức Chúa Trời thử thách con cái Ngài, thì Ngài làm một điều có giá trị. Đa-vít tìm kiếm sự thử thách của Đức Chúa Trời, cầu xin Ngài kiểm tra tấm lòng và tâm trí của mình và thấy rằng chúng trung thành với Ngài (Thi thiên 26:2; 139:23). Khi Áp-ram được Chúa thử thách trong vấn đề về sự hy sinh Y-sác, Áp-ram đã vâng phục (Hê-bơ-rơ 11:17-19) và chỉ cho cả thế giới rằng ông là tổ phụ của đức tin (Rô-ma 4:16).
Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, các từ được dịch là "thử thách" có nghĩa là "chứng minh bằng thử thách". Vì vậy, khi Đức Chúa Trời thử thách con cái của Ngài, mục đích của Ngài là chứng minh rằng đức tin của chúng ta là thật. Không phải Chúa cần chứng minh điều đó cho chính Ngài vì Ngài biết tất cả mọi điều (Thi-thiên 44:21; 139:2; 147:5; Ê-sai 66:18; Ê-xê-chi-ên 11:5; Giăng 2:25; 21:17), nhưng Ngài đang chứng minh cho chúng ta rằng đức tin của chúng ta là thật, rằng chúng ta thật sự là con cái của Ngài (1 Giăng 3:1-2), và rằng không có thử thách nào sẽ chiến thắng đức tin của chúng ta.
Trong câu chuyện ngụ ngôn về Người gieo giống, Chúa Giê-xu xác định những người sa ngã là những người nhận được hạt giống của Lời Chúa với niềm vui nhưng ngay khi thời điểm thử thách đến thì họ sa ngã (Ma-thi-ơ 13:5-6, 20-21). Gia-cơ nói rằng việc thử thách đức tin của chúng ta sinh ra sự kiên trì dẫn đến sự trưởng thành trong bước đi của chúng ta với Đức Chúa Trời (Gia-cơ 1:3–4). Gia-cơ tiếp tục nói rằng thử thách là một phước lành bởi vì khi thử thách kết thúc thì chúng ta đã "chịu nổi sự thử thách", chúng ta sẽ "nhận mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho những người yêu mến Ngài" (Gia-cơ 1:12). Thử thách đến từ Cha Thiên Thượng của chúng ta là Đấng làm tất cả mọi việc hiệp lại vì lợi ích cho những ai yêu mến Ngài và được kêu gọi làm con cái của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:28).
Các thử nghiệm hoặc thử thách mà chúng ta trải qua đến từ nhiều cách khác nhau. Trở thành một Cơ Đốc nhân thường sẽ yêu cầu chúng ta dọn ra khỏi khu vực thoải mái của chúng ta và đi vào nơi chưa biết (Hê-bơ-rơ 11:8). Sự kiên trì trong thử thách dẫn đến sự trọn vẹn và trưởng thành thuộc linh. Đây là lý do tại sao Gia-cơ viết: "Hãy xem sự thử thách trăm chiều xảy đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn" (Gia-cơ 1:2). Sự thử thách đức tin có thể đến theo những cách bình thường và những sự bực tức hàng ngày, chúng cũng có thể là những phiền não nghiêm trọng (Ê-sai 48:10) và các cuộc tấn công từ Sa-tan (Gióp 2:7). Bất kể nguồn gốc của thử thách là gì thì chúng ta đều có lợi khi trải qua những thử thách mà Đức Chúa Trời cho phép.
Lời miêu tả của Gióp là một ví dụ hoàn hảo về việc Đức Chúa Trời cho phép một trong các thánh đồ của Ngài bị Ma quỷ thử thách. Gióp chịu đựng tất cả các thử thách của mình một cách kiên nhẫn và "…không phạm tội và chẳng nói điều gì xúc phạm đến Đức Chúa Trời" (Gióp 1:22). Tuy nhiên, lời miêu tả về sự thử thách của Gióp là bằng chứng cho thấy khả năng của Sa-tan để thử chúng ta bị giới hạn bởi sự kiểm soát toàn quyền của Đức Chúa Trời. Không một con quỷ nào có thể thử thách hay làm khổ chúng ta ngoài điều Đức Chúa Trời đã ra lệnh (Gióp 1:12; 2:6; Lu-ca 22:31; Giang 19:11). Tất cả các thử thách của chúng ta đều hướng tới mục đích hoàn hảo của Đức Chúa Trời và lợi ích của chúng ta.
Có rất nhiều ví dụ về kết quả tích cực của việc bị thử thách. Tác giả Thi Thiên ví sự thử thách của chúng ta là để luyện như luyện bạc (Thi Thiên 66:10). Phi-e-rơ nói về đức tin của chúng ta là "có giá trị lớn hơn vàng", và đó là lý do tại sao chúng ta "đau khổ trong mọi loại thử thách" (I Phi-e-rơ 1:6–7). Khi thử thách đức tin của chúng ta, Đức Chúa Trời khiến chúng ta phát triển thành những môn đồ mạnh mẽ là những người thật sự sống bởi đức tin chứ không phải bởi những gì chúng ta thấy (II Cô-rinh-tô 5:7).
Khi chúng ta trải qua những cơn bão của cuộc đời, chúng ta sẽ giống như cái cây mà rễ của nó cắm sâu hơn bao giờ hết để cắm chặt hơn vào trong đất. Chúng ta phải "cắm rễ của chúng ta" sâu hơn vào Lời của Đức Chúa Trời và bám víu vào những lời hứa của Ngài để chúng ta có thể vượt qua bất cứ cơn bão nào chống lại chúng ta.
Sự yên ủi lớn nhất trong tất cả mọi sự yên ủi là chúng ta biết rằng Chúa sẽ không bao giờ cho phép chúng ta bị thử thách vượt quá điều mà chúng ta có thể giải quyết bởi quyền năng của Ngài (1 Cô-rinh-tô 10:13). Ân điển của Ngài là đủ cho chúng ta, và sức mạnh của Ngài trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta (II Cô-rinh-tô 12:9). Phao-lô nói "Đó là lý do tại sao vì cớ Đấng Christ, tôi vui chịu sự yếu đuối, sỉ nhục, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó. Vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ" (II Cô-rinh-tô 12:10).
English
Tại sao Chúa thử thách chúng ta?