settings icon
share icon
Câu hỏi

Thần học nữ quyền có đúng với Kinh Thánh không?

Trả lời


Bản thân thuật ngữ nữ quyền là chủ đề của nhiều cách hiểu khác nhau, được Kinh Thánh hỗ trợ với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên "thần học nữ quyền" đưa ra một số vấn đề trọng đại. Xin lưu ý, có những chủ đề trong chủ nghĩa nữ quyền mà Kinh Thánh mạnh mẽ tán thành. Vấn đề ở đây không phải là tất cả các ý tưởng về nữ quyền hay ủng hộ phụ nữ đơn thuần là không đúng với Kinh Thánh, thực ra một số ý tưởng được Kinh Thánh hỗ trợ rất mạnh mẽ. Vấn đề là việc diễn giải lại Kinh Thánh vì mục đích trao quyền cho phụ nữ hoặc một nghị trình cho vấn đề chính trị-nữ quyền là một việc làm sai lầm và không thể được hỗ trợ.

Trước hết, việc thêm bất kỳ mô tả triết học nào vào thần học sẽ tự động trở nên đáng ngờ. Nó ngụ ý rằng thần học đang được giải thích với mục đích cố ý hỗ trợ một hệ tư tưởng; rằng hệ tư tưởng đến trước. Điều này là làm ngược, vì chúng ta phải điều chỉnh triết lý của mình để phù hợp với lời của Đức Chúa Trời, chứ không phải theo cách ngược lại. Khi ai đó giới thệu về thần học X, thì người đó đang bóp méo cách giải thích về thần học để ủng hộ quan điểm "X." Đây là điều xảy ra với cái gọi là thần học nữ quyền, một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một số nỗ lực khác nhau để thay đổi Kinh Thánh theo hướng kết luận được ưa thích.

Thần học nữ quyền xuất hiện ở các cấp độ khác nhau và trong các lĩnh vực khác nhau. Bốn chủ đề thường xuyên bị thách thức vì mục đích trao quyền cho phụ nữ. Đó là việc sử dụng ngôn ngữ nam tính cho Đức Chúa Trời, sự vâng phục của phụ nữ trong hôn nhân, sự phong chức của phụ nữ và quyền sinh sản. Những người ủng hộ thần học nữ quyền có thể chỉ ra sự hỗ trợ hợp lí cho ít nhất một vài phần trong những ý tưởng của họ. Vấn đề xảy ra khi những gì Kinh thánh nói bị suy diễn đưa ra khỏi bối cảnh hoặc thậm chí bị bỏ qua vì mục đích lý giải cho vấn đề nữ quyền.

Thần học nữ quyền thường chỉ trích việc sử dụng đại từ nam tính cho Đức Chúa Trời. Theo quan điểm này, việc đề cập đến Đức Chúa Trời như là "He/Ngài," "Him/Ngài ấy," hay "Cha" làm suy giảm địa vị của phụ nữ. Như một số người ủng hộ sẽ nói rằng, "Nếu Chúa là đàn ông, thì tất cả đàn ông là chúa." Đề xuất thay thế là chỉ sử dụng các thuật ngữ trung lập về giới tính như Thần thánh khi đề cập đến Đức Chúa Trời hoặc để cân bằng các thuật ngữ bất đồng bằng những thuật ngữ tương đương cho giới nữ như She, Her, và Mẹ.

Tuy nhiên, trong vấn đề này, thần học nữ quyền đang chống lại một vài điều mà chính Kinh thánh không nói. Kinh thánh không trình bày Đức Chúa Trời là giới tính nam về mặt sinh học theo nghĩa đen. Và Kinh Thánh cũng không có ý rằng phụ nữ là thấp kém về mặt đạo đức hay thuộc linh. Sự lựa chọn của Đức Chúa Trời khi đề cập đến chính Ngài bằng cách sử dụng những từ ngữ nam tính không có hàm ý là đàn ông là vượt trội hơn phụ nữ. Hơn nữa, Kinh Thánh không "cân bằng" thuật ngữ nam tính và nữ tính đối với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đôi khi được mô tả bằng hình minh họa mang tính nữ (Thi thiên 57:1; Ê-sai 42:14; 66:13), nhưng Ngài không bao giờ được nhắc đến bằng cách sử dụng các từ mang giới tính nữ. Khi Thiên Chúa nói đến chính Ngài, Ngài luôn sử dụng các thuật ngữ nam tính. Cách giải thích tốt hơn là có một điều gì đó đặc biệt với vai trò của "Cha," mô tả rõ hơn mối quan hệ của Đức Chúa Trời với chúng ta, hơn cả vai trò của "Mẹ." Thay đổi những lời của Đức Chúa Trời chỉ để thỏa mãn sở thích trung lập về giới tính là hình thức nguy hiểm của việc chỉnh sửa Kinh Thánh.

Sự vâng phục của người vợ đối với người chồng cũng là một mục tiêu của thần học nữ quyền. Cho rằng Kinh Thánh khuyên các Cơ Đốc Nhân phải vâng phục lẫn nhau (Ê-phê-sô 5:21) và chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ bình đẳng về mặt tâm linh (Ga-la-ti 3:28), thần học nữ quyền cho rằng phụ nữ không nên thực sự "vâng phục" chồng mình. Một số người đi xa đến mức cho rằng sự vâng phục trong hôn nhân khiến phụ nữ thấp kém hơn đàn ông.

Một lần nữa, khía cạnh này của thần học nữ quyền không chỉ không tuân theo những gì chính Kinh Thánh nói, mà còn tạo ra mâu thuẫn thần học. Nếu mạng lệnh phải vâng phục lẫn nhau được thực hiện một cách tuyệt đối, như thần học nữ quyền đề xuất, thì trẻ em nên mong đợi sự vâng phục từ phía cha mẹ của chúng. Tương tự như vậy, nếu một người không thể phụ thuộc vào người khác mà không thua kém, điều đó có nghĩa là Chúa Giê-xu không thực sự là Đức Chúa Trời, cũng không ngang bằng với Đức Chúa Trời, vì Ngài đã vâng phục theo ý muốn của Đức Chúa Cha (Lu-ca 22:42; Giăng 6:38). Có một mạng lệnh mà Kinh Thánh dạy cho các bà vợ phải vâng phục chồng mình. Dĩ nhiên, Kinh thánh cũng nói rằng các ông chồng phải yêu vợ của mình "như Đấng Christ yêu Hội Thánh" (Ê-phê-sô 5: 25, 26), nghĩa là yêu thương họ một cách khiêm nhường (Phi-líp 2:8), hy sinh (Ga-la-ti 2:20) và với trái tim của người đầy tớ (Giăng 13:4-5, 14-15). Kinh thánh không cấp cho đàn ông giấy phép trở thành bạo chúa đối với vợ của họ (Cô 3:19), nhưng nó quy định vai trò riêng biệt và quan trọng dành cho đàn ông và phụ nữ.

Việc phong chức cho phụ nữ làm mục sư hay linh mục là một lĩnh vực khác mà thần học nữ quyền mâu thuẫn với sự dạy dỗ đúng đắn của Kinh Thánh. Sử dụng các lý lẽ chung giống như trên, thần học nữ quyền tuyên bố phụ nữ nên đảm nhận các vị trí lãnh đạo thuộc linh giống như đàn ông, không phân biệt vai trò. Tất nhiên, tuyên bố này ít dựa vào việc giải nghĩa Kinh thánh mà là từ chối trắng trợn sự dạy dỗ của Kinh Thánh vì cho rằng điều đó là lỗi thời hoặc không hợp lệ. Vai trò của phụ nữ trong nhà thờ và trong gia đình không thua kém đàn ông theo bất kỳ nghĩa nào, nhưng vai trò đó không bao gồm cương vị làm chủ (1 Ti-mô-thê 2:12). Kinh thánh không ngụ ý rằng đàn ông không bao giờ có thể học hỏi từ phụ nữ hoặc được hướng dẫn bởi một người nữ (David và Abigail, 1 Sam 25:23-33; Priscilla và Apollos, Công vụ 19:24-26), nhưng nó chỉ ra rằng những chức vụ như "linh mục" và "mục sư" không thể được yêu cầu một cách chính đáng bởi phụ nữ (1 Ti-mô-thê 3:2).

Có lẽ cuộc tấn công ít dựa trên Kinh thánh nhất từ thần học nữ quyền liên quan đến khái niệm quyền sinh sản, một thuật ngữ phổ biến nhưng cực kỳ sai lệch. Về nguyên tắc, "quyền sinh sản" có nghĩa là một người phụ nữ có quyền lựa chọn có hay không có con và có con với ai. Nói theo cách đó, nó là một khái niệm đúng với Kinh thánh. Tuy nhiên, trong thực tế, thuật ngữ quyền sinh sản hầu như luôn luôn là một uyển ngữ cho quyền phá thai theo yêu cầu. Một lần nữa, để hỗ trợ nhánh thần học nữ quyền này, thì phải bỏ qua hoàn toàn những gì Kinh Thánh nói. Việc giết chết những đứa trẻ chưa sinh dưới vỏ bọc của "quyền sinh sản" là chống lại Kinh thánh cách rõ ràng (Thi thiên 139:13-16).

Một số khía cạnh của thần học nữ quyền là giải nghĩa lại hoặc giải nghĩa sai về các ý tưởng của Kinh Thánh. Ngôn ngữ bao hàm giới tính và ý nghĩa chính xác của việc vâng phục trong hôn nhân là một chủ đề gây tranh cãi và đôi khi không rõ ràng. Tuy nhiên, việc phong chức cho phụ nữ đòi hỏi phải từ chối gần như hoàn toàn thẩm quyền của Kinh thánh. Và không có bất kì thắc mắc gì, phá thai theo yêu cầu là hoàn toàn không tương thích với bất kỳ cách tiếp cận cách trung thực nào với Kinh thánh.

Kinh Thánh trân trọng, bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ. Các khía cạnh của chủ nghĩa nữ quyền về việc trao quyền cho phụ nữ có thể dễ dàng tìm thấy sự hỗ trợ trong lời Chúa. Thần học nữ quyền, tìm cách tái định hình Kinh thánh theo một mục tiêu chính trị hoặc một sở thích cá nhân, thì không thể.

English

Trở lại trang chủ tiếng Việt
Thần học nữ quyền có đúng với Kinh Thánh không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries