Câu hỏi
Thuyết hậu thiên hy niên nghĩa là gì?
Trả lời
Thuyết hậu thiên hy niên là một cách giải thích về đoạn 20 của sách Khải Huyền, thuyết này cho rằng sự trở lại của Chúa Giê-xu sẽ xảy ra sau thời kỳ “thiên hy niên” (thời kỳ kéo dài 1000 năm), thiên hy niên sẽ là thời kỳ hoàng kim cho sự thịnh vượng và sự chiếm ưu thế của Cơ đốc nhân. Cũng trong cách nhìn tương tự khi nói về những ngày cuối cùng, tuy nhiên thuyết hậu thiên hy niên trái với thuyết tiền thiên hy niên (vì thuyết này nói rằng sự trở lại của Chúa Giê-xu sẽ xảy ra trước khi có vương quốc một ngàn năm của Ngài và đúng theo nghĩa đen, vương quốc này sẽ được Ngài cai trị trong thời gian là một ngàn năm), ngoài ra cũng có một thuyết khác là thuyết vô thiên hi niên. Thuyết này nói rằng chúng ta không nên hiểu một ngàn năm Chúa Giê-xu cai trị là một ngàn năm cụ thể nhưng nên hiểu theo nghĩa bóng, là không có sự giới hạn về thời gian.
Người theo thuyết hậu thiên hy niên tin rằng Chúa Giê-xu sẽ trở lại sau một khoảng thời gian, nhưng không nhất thiết là đúng 1000 năm. Những người theo thuyết này không giải thích được những lời tiên tri vẫn chưa được hoàn thành theo đúng ý nghĩa của nó. Họ tin rằng những điều chép trong Khải Huyền 20:4-6 sẽ không diễn ra đúng theo nghĩa đen. Họ tin rằng “1000 năm” chỉ đơn giản là “1 giai đoạn kéo dài”. Ngoài ra, tiền tố “hậu-“ trong từ “hậu thiên hy niên” nói rằng Chúa Giê-xu sẽ trở lại sau khi vương quốc được thiết lập trên đất bởi những con cái của Ngài chứ không phải do chính Ngài.
Dù có nhiều bằng cớ chứng minh điều ngược lại nhưng những người theo thuyết hậu thiên hy niên vẫn tin rằng thế giới này sẽ ngày càng trở nên tốt hơn và nỗ lực để tất cả những người trên thế giới này sẽ trở thành Cơ Đốc Nhân. Sau khi những điều này xảy ra, Chúa Giê-xu sẽ trở lại. Tuy nhiên, điều này không phải là điều xảy ra trên thế giới vào thời kỳ cuối mà Kinh Thánh đề cập đến. Thông qua sách Khải Huyền, thật dễ nhận ra rằng thế giới sẽ trở thành một nơi thật kinh khiếp trong tương lai. Cũng vậy, trong sách II Ti-mô-thê 3:1-7, Phao-lô miêu tả ngày cuối cùng là “ngày kinh khiếp.”
Người theo thuyết hậu thiên hy niên giải thích không đúng theo nghĩa đen của những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm, họ giải thích Kinh Thánh theo ý riêng của họ. Vấn đề ở đây là khi một ai đó bắt đầu định nghĩa một từ ngữ nào đó theo ý họ mà không giữ nguyên nghĩa ban đầu của nó, người đó đã quyết định nghĩa của từ, cụm từ, hoặc nghĩa của câu theo ý muốn của mình. Tất cả những gì khách quan liên quan đến ý nghĩa của từ đó sẽ bị bỏ đi. Khi một từ ngữ bị mất đi ý nghĩa ban đầu của nó, việc giao tiếp sẽ bị ngưng lại. Tuy nhiên, điều này không chứng tỏ Chúa không có kế hoạch để những câu chữ và cách giao tiếp được trở nên dễ hiểu. Chúa nói với chúng ta bằng cách cho viết ra Lời của Ngài cùng với những điều liên quan đến ý nghĩa khách quan của nó, để cho những ý tưởng và những suy nghĩ có thể được rõ ràng.
Thông thường, khi giải thích Kinh Thánh một cách đúng đắn sẽ góp phần bác bỏ thuyết hậu thiên hy niên và đảm bảo được ý nghĩa căn bản về Kinh Thánh, gồm cả những lời tiên tri chưa được hoàn thành. Chúng ta có hàng trăm ví dụ trong Kinh Thánh về những lời tiên tri đã được hoàn tất. Lấy ví dụ một lời tiên tri nói về Đấng Christ sẽ đến trong Cựu Ước . Lời tiên tri này thật sự đã được hoàn tất khi Chúa Giê-xu đến thế gian. Ngoài ra, còn có lời tiên tri nói rằng một nữ đồng trinh sẽ sanh Đấng Christ đã được chép trong Ê-sai 7:14, cũng đã xảy ra và được chép trong Tân Ước, cụ thể là sách Ma-thi-ơ 1:23. Còn có lời tiên tri về việc Chúa chết thay cho tội lỗi của chúng ta đã được chép trong Ê-sai 53:4-9, cũng đã xảy ra và được chép trong Tân Ước, cụ thể là sách I Phi-e-rơ 2:24. Những lời tiên tri này đã được ứng nghiệm thật sự, và đó là lý do để chúng ta tin rằng trong tương lai, Chúa sẽ tiếp tục hoàn tất lời của Ngài. Thuyết hậu thiên hy niên sai ở chỗ đã giải thích theo ý riêng những lời tiên tri trong Kinh Thánh và quả quyết về vương quốc 1000 năm sẽ được thiết lập bởi hội thánh (là những con cái Chúa), mà không bởi chính Ngài.
English
Thuyết hậu thiên hy niên nghĩa là gì?