settings icon
share icon
Câu hỏi

Thuyết sáng tạo trái đất cũ là gì?

Trả lời


Xin lưu ý, với tư cách là một mục vụ, GotQuestions.org chính thức tuân theo thuyết sáng tạo trái đất trẻ. Chúng tôi thực sự và hoàn toàn tin tưởng rằng thuyết sáng tạo trái đất trẻ phù hợp nhất với lời tường thuật trong Kinh Thánh về sự sáng tạo. Tuy nhiên, chúng tôi công nhận rằng thuyết sáng tạo trái đất cũ là một quan điểm hợp lệ mà một Cơ đốc nhân có thể giữ vững. Không có nghĩa lý gì mà thuyết sáng tạo trái đất cũ là dị giáo và không có nghĩa là những người theo thuyết sáng tạo trái đất cũ bị xa lánh vì không phải là anh chị em trong Chúa Giê-su Christ. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ rất đáng giá nếu có một bài báo trình bày tích cực thuyết sáng tạo trái đất cũ, vì điều đó luôn tốt cho quan điểm của chúng tôi khi được thử thách, thúc đẩy chúng tôi tiếp tục tìm kiếm trong Kinh Thánh để đảm bảo rằng niềm tin của chúng tôi là đúng theo Kinh Thánh.

Thuyết sáng tạo trái đất cũ (OEC) là một cụm thuật ngữ được sử dụng để mô tả những người chủ trương theo thuyết sáng tạo trong Kinh thánh, những người phủ nhận rằng vũ trụ được sáng tạo khoảng 6.000 đến 10.000 năm qua trong sáu ngày 24 giờ liên tục. Thay vào đó, các thuyết gia của sáng tạo trái đất cũ tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ và cư dân của nó (bao gồm cả A-đam và Ê-va theo nghĩa đen) trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều so với thời gian cho phép của những thuyết gia sáng tạo trái đất trẻ. Danh sách các nhà lãnh đạo Cơ đốc đáng chú ý, những người (hoặc trong suốt cuộc đời của họ) đã mở ra một cách giải thích trái đất cũ là một danh sách dài và danh sách đó tiếp tục tăng lên. Danh sách bao gồm những người như Walter Kaiser, Norman Geisler, William Dembski, J.I. Packer, J.P. Moreland, Philip E. Johnson, Chuck Colson, Francis Schaefer, và học giả Cựu Ước Gleason Archer.

Các thuyết gia sáng tạo trái đất cũ thường đồng ý với các ước tính khoa học chính thống về tuổi của vũ trụ, nhân loại và của Trái đất, đồng thời bác bỏ tuyên bố của những người theo thuyết tiến hóa hiện đại về sự tiến hóa sinh học. Các thuyết gia sáng tạo trái đất cũ và những thuyết gia anh em sáng tạo trái đất trẻ có một số điểm chung quan trọng, bao gồm:

1) Sự sáng tạo vũ trụ theo nghĩa đen từ con số không cách đây một thời gian hữu hạn (hình thành sự sáng tạo từ hư không).

2) Việc tạo dựng A-đam theo nghĩa đen từ bụi đất và Ê-va bởi A-đam cũng như tính lịch sử của tường thuật trong Sáng thế ký.

3) Bác bỏ tuyên bố của những người theo thuyết Darwin rằng đột biến ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên có thể giải thích một cách thỏa đáng cho sự phức tạp của sự sống.

4) Bác bỏ tuyên bố rằng Thượng Đế đã sử dụng quá trình tiến hóa để đưa con người đến ngày nay (sự tiến hóa hữu thần). Cả chủ nghĩa sáng tạo trái đất cũ và trái đất mới đều bác bỏ lý thuyết về nguồn gốc chung.

Tuy nhiên, các thuyết gia sáng tạo trái đất cũ khác với các thuyết gia sáng tạo trái đất trẻ ở những điểm sau:

1) Tuổi của vũ trụ. Các thuyết gia sáng tạo trái đất trẻ tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ 6.000 - 10.000 năm trước. Các thuyết gia sáng tạo trái đất cũ đặt sự kiện tạo dựng vào khoảng 13,7 tỷ năm trước, do đó phù hợp hơn với khoa học “chính thống”, ít nhất là ở điểm này.

2) Thời điểm tạo dựng A-đam và Ê-va. Các thuyết gia sáng tạo trái đất trẻ đặt việc sự tạo dựng Adam không muộn hơn 10.000 năm trước. Các thuyết gia sáng tạo trái đất cũ rất khác về điểm này với ước tính dao động trong khoảng 30.000 - 70.000 năm trước.

Sự tranh cãi giữa hai quan điểm của thuyết sáng tạo xoay quanh ý nghĩa từ yom trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “ngày”. Các thuyết gia sáng tạo trái đất trẻ khẳng định rằng ý nghĩa từ yom trong bối cảnh của Sáng thế ký 1–2 là khoảng thời gian 24 giờ. Các thuyết gia sáng tạo trái đất cũ không đồng ý và tin rằng từ yom đang được sử dụng để biểu thị khoảng thời gian dài hơn nhiều. Các thuyết gia sáng tạo trái đất cũ đã sử dụng nhiều lý lẽ trong Kinh Thánh để bảo vệ quan điểm của họ, bao gồm những điều sau:

1) Yom được dùng ở những nơi khác trong Kinh Thánh, nơi nó ám chỉ một khoảng thời gian dài, đặc biệt là Thi thiên 90:4, sau này được sứ đồ Phi-e-rơ trích dẫn: “Một ngày (yom) như ngàn năm” (2 Phi-e-rơ 3:8).

2) “Ngày” thứ bảy kéo dài hàng ngàn năm. Sáng thế ký 2:2-3 nói rằng Đức Chúa Trời nghỉ ngơi vào “ngày” thứ bảy (yom). Kinh Thánh dạy rằng chúng ta chắc chắn vẫn còn trong ngày thứ bảy; do đó, từ “ngày” cũng có thể dùng để chỉ một khoảng thời gian dài với nghĩa là từ ngày một đến ngày sáu.

3) Từ “ngày” trong Sáng thế ký 1–2 dài hơn 24 giờ. Sáng thế ký 2:4 chép, “Ấy là gốc tích trời và đất khi đã dựng nên, trong lúc Giê-hô-va Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất.” Trong câu này, "ngày" được dùng để chỉ sáu ngày đầu tiên nói chung và do đó có một ý nghĩa linh hoạt hơn chứ không chỉ là khoảng thời gian 24 giờ.

4) “Ngày” thứ sáu có lẽ dài hơn 24 giờ. Sáng thế ký 2:19 cho chúng ta biết rằng A-đam đã quan sát và sau đó đặt tên cho mọi vật sống trên đất. Theo đánh giá, có vẻ như A-đam không thể hoàn thành một nhiệm vụ lớn như vậy chỉ trong khoảng thời gian 24 giờ.

Chắc chắn, các vấn đề phân chia các thuyết gia sáng tạo trái đất trẻ và già đều phức tạp và có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này không nên được xem là một bài kiểm tra cho tính chính thống. Có những người nam và người nữ tin kính ở cả hai phía của cuộc tranh luận này. Trong phân tích cuối cùng, các thuyết gia sáng tạo trong Kinh Thánh — cả thuyết sáng tạo trái đất trẻ và già — đều có nhiều điểm chung và nên làm việc cùng nhau để bảo vệ độ tin cậy lịch sử của sự tường thuật trong Sáng thế ký.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Thuyết sáng tạo trái đất cũ là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries