Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về tầm quan trọng của việc chịu trách nhiệm với nhau?
Trả lời
Đã có quá nhiều cám dỗ trong thế giới hiện nay, và Satan đang làm việc thêm giờ để tạo ra nhiều cám dỗ khác nữa. Trong hoàn cảnh đối diện với những cám dỗ như vậy, nhiều Cơ Đốc nhân tìm kiếm cho mình một “đối tác đáng tin cậy” để cùng cầu nguyện và giúp chia sẻ những gánh nặng gắn liền với chiến trận thuộc linh. Có được một người anh em hoặc chị em để chúng ta có thể dựa vào khi phải chống cự với những cám dỗ như vậy là một điều tốt. Vua Đa-vít chỉ có một mình trong đêm Satan cám dỗ ông đến việc ngoại tình với Bát-sê-ba (II Sa-mu-ên 11). Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chúng ta đánh trận chẳng phải cùng thịt và huyết nhưng là cùng các linh, các quyền lực và thế lực tâm linh đang đe dọa chúng ta (Ê-phê-sô 6:12)
Khi biết rằng chúng ta đang ở trong trận chiến chống lại các thế lực của sự tối tăm, chúng ta nên muốn sự giúp đỡ từ những người xung quanh nhiều nhất mà chúng ta có thể tập hợp được, và nó có thể bao hàm việc chúng ta khiến mình phải chịu trách nhiệm với một người tín hữu có thể động viên chúng ta trong cuộc chiến đấu. Phao-lô khuyên chúng ta rằng chúng ta phải được trang bị với tất cả những năng lực mà Thiên Chúa cung cấp để giao tranh trong cuộc chiến này: “Vậy nên hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng” (Ê-phê-sô 6:13). Chúng ta biết không một chút nghi ngờ rằng sự cám dỗ sẽ đến. Vậy nên chúng ta cần được chuẩn bị.
Satan biết những sự yếu đuối của chúng ta, và nó biết khi nào chúng ta dễ bị tấn công. Nó biết khi một cặp vợ chồng đang cãi nhau và có lẽ cảm thấy một người nào đó sẽ thấu hiểu và thông cảm với họ tốt hơn người phối ngẫu của họ. Satan cũng biết khi một đứa trẻ bị bố mẹ phạt và cảm thấy hằn học về điều đó. Nó cũng biết khi có những việc không tiến triển tốt nơi công sở và chỉ là quán bar có thể nằm đâu đó trên đường về nhà. Chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ ở nơi nào đây? Chúng ta muốn làm những điều đúng đắn trong mắt Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại yếu đuối. Chúng ta nên làm gì?
Châm ngôn 27:17 nói rằng “Sắt mài bén sắt, cũng như một người trau chuốt (mài giữa) diện mạo của bạn hữu mình”. Diện mạo của một người bạn hữu là một ánh nhìn hay một biểu hiện của sự động viên hoặc hỗ trợ tinh thần. Lần cuối cùng bạn có một người bạn gọi điện chỉ để hỏi thăm bạn là khi nào? Lần cuối cùng mà bạn gọi cho một người bạn để hỏi liệu họ có cần một ai đó để trò chuyện không là khi nào? Sự động viên và hỗ trợ tinh thần từ một người bạn thỉnh thoảng chính là thành phần bị thiếu hụt khi chiến đấu trong trận chiến chống lại Satan. Trở nên có trách nhiệm với nhau có thể bổ sung những thành phần thiếu hụt đó.
Người viết sách Hê-bơ-rơ đã tổng hợp lại những điều đó khi ông nói “Chúng ta hãy lưu ý khích lệ nhau trong tình yêu thương và các việc lành. Đừng bỏ sự nhóm họp với nhau như thói quen của vài người, nhưng hãy khuyến khích nhau; anh chị em nên làm như thế nhiều hơn khi thấy Ngày Chúa càng gần. (Hê-bơ-rơ 10:24-25). Thân thể của Đấng Christ được liên kết chặt chẽ với nhau, và bổn phận của chúng ta đối với nhau là phải gây dựng lẫn nhau. Cũng như vậy, Gia-cơ ngụ ý về việc có trách nhiệm đối với nhau khi ông nói “Vậy, hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh. Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm ” (Gia-cơ 5:16).
Việc có trách nhiệm đối với nhau có thể hữu ích trong cuộc chiến để thắng hơn tội lỗi. Một người bạn đáng tin cậy có thể có mặt ở đó để động viên bạn, quở trách bạn, dạy dỗ bạn, cùng vui với bạn và cùng khóc với bạn. Mỗi một Cơ Đốc nhân nên suy nghĩ đến việc có một người bạn đáng tin cậy để cầu nguyện, trò chuyện, tâm sự và xưng tội cùng nhau.
English
Kinh Thánh nói gì về tầm quan trọng của việc chịu trách nhiệm với nhau?