settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về việc con trẻ không vâng lời? Cha mẹ Cơ Đốc nên giải quyết vấn đề con trẻ không vâng lời như thế nào?

Trả lời


Tất cả các bậc cha mẹ đều phải đối mặt với thử thách của những đứa trẻ không vâng lời, từ trẻ chỉ mới biết đi học nói “không” đến đứa trẻ lớn hơn hành động cố ý bất chấp. Và trọng tâm của vấn đề nằm ở chỗ sự không vâng lời không chỉ là vấn đề của trẻ em. Kinh Thánh cho thấy rằng tất cả chúng ta đều chiến đấu với lòng khao khát thống trị bản thân và làm theo ý mình vì tất cả chúng ta đều sinh ra trong tội lỗi và nổi loạn (Thi Thiên 51:5; Ê-phê-sô 2:3; Rô-ma 3:10; 7:17–21). Cuộc chiến chống lại quyền tự trị này có thể gây ra một cuộc chiến toàn diện đối với con cái của chúng ta nếu sự bất tuân của chúng không được kiểm soát, một cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ tương lai của chúng với giáo viên, người chủ, bạn bè, người phối ngẫu, cha mẹ già và thậm chí cả Cha Thiên Thượng của chúng. Tuy nhiên, khi tra cứu Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy hy vọng lớn lao về việc Chúa ban cho các công cụ để huấn luyện và kỷ luật những đứa trẻ không vâng lời và thậm chí còn hứa ban phước lành cho những ai học hỏi và lớn lên trong sự vâng lời.

Mạng lệnh hiếu kính và vâng lời cha mẹ trải khắp Kinh Thánh, bắt đầu từ Xuất Ê-díp-tô ký khi Đức Chúa Trời ban Mười Điều Răn (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12) xuyên suốt Cựu Ước (Lê-vi ký 19:3; Phục truyền luật lệ ký 5:16; Châm Ngôn 1:8; 6:20-21; 23:22) đến Tân Ước. Cả Chúa Giê-su và sứ đồ Phao-lô đều khẳng định lại điều răn thứ năm cùng với lời hứa kèm theo (Ma-thi-ơ 15:4; 19:19; Ê-phê-sô 6:1–3; Cô-lô-se 3:20). Trẻ em được khuyến khích rằng sự vâng lời sẽ mang lại phước lành và sự sống lâu (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12; Giê-rê-mi 35:17–19; Ê-phê-sô 6:3; Cô-lô-se 3:20), trong khi những đứa trẻ không vâng lời làm xấu mặt cha mẹ thì được cảnh báo rằng hành vi của chúng sẽ mang lại hình phạt và sự xấu hổ (Lê-vi ký 20:9; Phục truyền luật lệ ký 21:18; 27:16; Châm Ngôn 10:1; 15:5; 20:20; 30:17; Ma-thi-ơ 15:4). Khi sự không vâng lời cha mẹ diễn ra phổ biến, thì đó chính là đặc điểm của xã hội trong thời kỳ cuối cùng (2 Ti-mô-thê 3:2).

Dân Y-sơ-ra-ên là dân mà Đức Chúa Trời gọi là con cái của Ngài (Xuất Ê-díp-tô ký 4:22), sẽ cho chúng ta thấy một tấm gương về những đứa trẻ không vâng lời. Nhiều lần, Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên vâng lời Ngài kèm theo lời hứa ban phước lành lớn cho sự vâng lời, cũng như hậu quả nghiêm trọng cho việc không vâng lời. Vào thời của Giô-suê, dân Y-sơ-ra-ên vâng lời Đức Chúa Trời và được ban phước chiến thắng kẻ thù của họ (Giô-suê 11:23). Sau này, như toàn bộ sách Các quan xét cho thấy, sự bất tuân của Y-sơ-ra-ên đã mang đến rắc rối cho họ.

Kinh Thánh dạy về sự cần thiết của việc sửa dạy những đứa trẻ không vâng lời. Kỷ luật là một phần của cuộc sống đối với mọi người, và những ai chống lại thẩm quyền của cha mẹ sẽ bị trừng phạt. Châm Ngôn 19:18 nói, “Hãy sửa phạt con cái ngươi lúc còn hi vọng. Nhưng đừng định tâm giết nó”. Trong câu này, kỷ luật của một đứa trẻ được trình bày như một vấn đề của sự sống và cái chết. Không vâng lời, không được kiểm soát, cuối cùng sẽ dẫn đứa trẻ đến chỗ hư hỏng. Châm Ngôn 13:24 nói: “Người nào kiêng roi vọt là ghét con cái mình. Nhưng ai thương con sẽ sớm lo sửa dạy nó”. Ở đây, tình yêu và kỷ luật cẩn thận đi đôi với nhau. Quan niệm cho rằng cha mẹ “yêu thương” sẽ không bao giờ kỷ luật con cái là một quan niệm sai lầm. Làm ngơ trước sự chống nghịch là ghét bỏ đứa trẻ nổi loạn.

Ê-phê-sô 6 là một phân đoạn quan trọng. Câu 1 nói với con trẻ: “Hỡi những người làm con, hãy vâng lời cha mẹ mình trong Chúa.” Nghĩa là, vâng lời cha mẹ là bổn phận mà Chúa ban cho mỗi đứa trẻ. Miễn là mệnh lệnh của cha mẹ không vi phạm Lời Chúa, thì đứa trẻ phải tuân theo. Câu 4 nói với những người làm cha: “Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình tức giận, nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa”. Bổn phận của người cha là phải huấn luyện con cái theo cách tin kính và dạy dỗ chúng trong Lời Chúa. Khi làm như vậy, cha mẹ tạo cho con cái cơ hội tốt nhất để có một cuộc sống lâu dài và thịnh vượng trên thế giới này (câu 3) cũng như có được kho tàng trên trời (Ma-thi-ơ 6:20; Ga-la-ti 6:8–9; Ê-phê-sô 1:3– 4).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về việc con trẻ không vâng lời? Cha mẹ Cơ Đốc nên giải quyết vấn đề con trẻ không vâng lời như thế nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries