Câu hỏi
Điều gì xảy ra với những đứa bé mới sinh và trẻ nhỏ khi chúng chết? Tôi có thể tìm thấy chỗ nào trong Kinh Thánh nói về độ tuổi phải chịu trách nhiệm?
Trả lời
Khái niệm về "Tuổi phải chịu trách nhiệm" là trẻ con không phải chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời cho những tội lỗi của chúng cho đến khi chúng đến một độ tuổi nhất định, và nếu một đứa trẻ chết trước khi đến "tuổi phải chịu trách nhiệm", đứa trẻ đó sẽ, bởi ân điển và ơn thương xót của Đức Chúa Trời, được cho vào thiên đàng. Khái niệm về một độ tuổi phải chịu trách nhiệm có đúng với Kinh Thánh không? Có một điều gì như là một "tuổi ngây thơ/vô tội" không?
Thường xuyên bị lạc trong sự thảo luận liên quan đến độ tuổi phải chịu trách nhiệm là thực tế rằng trẻ em, bất kể chúng nhỏ như thế nào, là không "ngây thơ/ vô tội" theo nghĩa không có tội lỗi. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, dẫu cho một đứa bé còn ẵm ngữa (trẻ sơ sinh) hay trẻ nhỏ không phạm kỷ tội (tội do chính cá nhân đó phạm phải), tất cả mọi người, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đều có tội trước Đức Chúa Trời bởi nguyên tội (tội bị thừa hưởng và quy cho).Tội bị thừa hưởng là tội được truyền cho chúng ta qua cha mẹ chúng ta. Trong Thi Thiên 51:5, Đa-vít đã viết, "Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi". Đa-vít đã nhận rằng ông là một tội nhân ngay cả lúc ông được thai nghén. Thực tế rất đáng buồn là những đứa trẻ còn ẵm ngữa đôi khi cũng chết chứng tỏ rằng ngay cả những đứa trẻ mới sinh đó cũng bị ảnh hưởng bởi tội lỗi lúc ban đầu của A-đam.
Mỗi người, trẻ em mới sanh hay người trưởng thành, đều có tội trước mặt Đức Chúa Trời; mỗi người đều phạm đến sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Cách duy nhất Đức Chúa Trời có thể công bằng và cùng lúc đó tuyên bố một người là công chính là để người đó nhận sự tha thứ bởi đức tin trong Đấng Cơ Đốc. Đấng Cơ Đốc là con đường duy nhất. Giăng 14:6 chép những điều Chúa Giê-xu đã nói: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha." Cũng vậy, Phi-e-rơ nói rõ trong Công Vụ 4:12, "Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu". Sự cứu rỗi là một chọn lựa cá nhân.
Còn về những đứa trẻ mới sinh và trẻ nhỏ chưa bao giờ đạt đến khả năng thực hiện sự lựa chọn cá nhân này thì sao? Độ tuổi phải chịu trách nhiệm là khái niệm rằng những ai chết trước khi đạt đến độ tuổi phải chịu trách nhiệm thì tự động được cứu bởi ân điển và ơn thương xót của Đức Chúa Trời. Độ tuổi phải chịu trách nhiệm là niềm tin rằng Đức Chúa Trời cứu tất cả những ai chết mà chưa bao giờ có khả năng thực hiện một quyết định đi theo hoặc nghịch lại với Đấng Cơ Đốc. Mười ba là tuổi phổ biến nhất được gợi ý cho độ tuổi phải chịu trách nhiệm, dựa theo phong tục Do Thái là một đứa trẻ có thể trở thành một người trưởng thành ở tuổi 13. Tuy nhiên, Kinh Thánh không có sự hỗ trợ trực tiếp nào cho việc tuổi 13 là tuổi phải chịu trách nhiệm. Có khả năng là nó thay đổi từ đứa trẻ này qua đứa trẻ khác. Một đứa trẻ đã qua tuổi phải chịu trách nhiệm một khi nó có khả năng thực hiện một quyết định đức tin đi theo hoặc nghịch lại với Đấng Cơ Đốc. Ý kiến của Charles Spurgeon đã là “một đứa trẻ năm tuổi có thể thật sự được cứu và được tái sinh như một người trưởng thành".
Với những điều ở trên trong trí, xin cũng hãy xem xét điều này: sự chết của Đấng Cơ Đốc được trình ra là đủ cho tất cả nhân loại. 1 Giăng 2:2 nói rằng Chúa Giê-xu là "của tế lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lõi của chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa." Câu Kinh Thánh này nói rõ rằng sự chết của Chúa Giê-xu đã đủ cho tất cả tội lỗi, không chỉ tội lỗi của những người một cách cụ thể đến với Ngài trong đức tin. Sự thực rằng sự chết của Đấng Cơ Đốc đã đủ cho mọi tội sẽ cho phép khả năng Đức Chúa Trời áp dụng sự trả xong tội đó cho những ai chưa bao giờ có khả năng tin.
Một vài người thấy một sự liên kết giữa độ tuổi phải chịu trách nhiệm và mối liên hệ giao ước giữa dân tộc Do Thái và Đức Giê-hô-va, mà trong mối liên hệ giao ước đó không có đòi hỏi nào được áp đặt lên một đứa bé trai để nó được kể vào giao ước đó ngoài sự cắt bì, được thực hiện vào ngày thứ tám sau khi nó được sinh ra (Xuất Ai Cập Ký 12:48–50; Lê-vi-ký 12:3).
Câu hỏi nảy sinh: "Bản chất bao gồm của Giao Ước Cũ (Cựu Ước) có áp dụng cho hội thánh không?" Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ đã nói, "Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Giê-xu chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. Vì lời hứa thuộc về các ngươi và con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi." (Công Vụ 2:38–39, bản NAS). Từ con cái (children) ở đây (teknon trong tiếng Hy Lạp) có nghĩa là “con, con gái, con trai.” Công Vụ 2:39 cho biết rằng sự tha thứ tội lỗi là dành sẵn cho một và tất cả (xin xem Công Vụ 1:8), bao gồm các thế hệ tương lai. Nó không dạy dỗ về sự cứu rỗi cả gia đình hay cả nhà. Con cái của những người đã ăn năn cũng được đòi hỏi phải ăn năn.
Phân đoạn Kinh Thánh duy nhất dường như đồng nhất hóa với chủ đề này hơn bất cứ phân đoạn Kinh Thánh nào khác là 2 Sa-mu-ên 12:21–23. Văn cảnh của các câu Kinh Thánh này là Vua Đa-vít đã phạm tội ngoại tình với Bát-sê-ba, làm bà có thai sau đó. Tiên tri Na-than đã được Đức Giê-hô-va sai đến để cho Đa-vít biết rằng, bởi cớ tội lỗi của ông, Đức Giê-hô-va sẽ khiến đứa trẻ chết đi. Đa-vít đáp ứng với điều này bằng cách đau buồn và cầu nguyện cho đứa trẻ. Nhưng một khi đứa trẻ đó được cất đi, sự than khóc của Đa-vít chấm dứt. Các tôi tớ của Đa-vít ngạc nhiên khi nghe điều này. Họ nói với Vua Đa-vít, “Vua làm chi vậy? Khi đứa trẻ này còn sống, vua kiêng ăn và khóc vì nó; và bấy giờ, nó đã chết vua chờ dậy và ăn!” Đa-vít đáp: “Khi đứa trẻ còn sống, ta kiêng ăn và khóc lóc, vì ta nghĩ rằng: 'Nào ai biết, có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ thương xót ta, và cho đứa trẻ được sống chăng'. Nhưng bây giờ nó đã chết, ta kiêng ăn làm chi? Ta có thể làm cho nó trở lại ư? Ta sẽ đi đến nó, nhưng nó không trở lại cùng ta." Sự trả lời của Đa-vít cho thấy rằng những ai không thể tin được an toàn trong Đức Giê-hô-va. Đa-vít đã nói rằng ông có thể đi đến với đứa trẻ nhưng không thể đem đứa trẻ đó trở lại với ông được. Còn nữa, và cũng quan trọng như vậy, Đa-vít dường như đã được an ủi bởi sự hiểu biết này. Nói cách khác, Đa-vít lúc đó dường như nói rằng ông sẽ gặp đứa con trai mới sinh của mình (trên thiên đàng), dầu ông không thể mang nó trở lại.
Mặc dầu có khả năng là Đức Chúa Trời áp dụng sự thanh toán tội lỗi của Đấng Cơ Đốc cho những ai không thể tin, Kinh Thánh không nói một cách cụ thể rằng Ngài làm điều này. Do đó, đây là một chủ đề mà chúng ta không nên tin một cách quả quyết hay lấy làm giáo điều. Việc Đức Chúa Trời áp dụng sự chết của Đấng Cơ Đốc cho những ai không thể tin dường như nhất quán với tình yêu và lòng nhân từ của Ngài. Chính chúng ta quan niệm rằng Đức Chúa Trời áp dụng sự thanh toán tội lỗi của Đấng Cơ Đốc cho những đứa trẻ mới sinh và cho những ai bị tật nguyền về tâm thần, bởi vì họ về mặt tâm thần không có khả năng hiểu tình trạng tội lỗi của họ và nhu cầu của họ cần đến Đấng Cứu Rỗi, nhưng một lần nữa chúng ta không thể giáo điều được. Về điều này chúng ta có thể chắc chắn: Đức Chúa Trời là yêu thương, thánh khiết, nhân từ, công chính, và khoan dung, và Ngài yêu thương trẻ em thậm chí nhiều hơn chúng ta yêu chúng.
English
Điều gì xảy ra với những đứa bé mới sinh và trẻ nhỏ khi chúng chết? Tôi có thể tìm thấy chỗ nào trong Kinh Thánh nói về độ tuổi phải chịu trách nhiệm?